Đi đôi với sự gia tăng thương mại trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các vụ tranh chấp thương mại giữa doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam với các nước nhập khẩu cũng có xu hướng tăng theo.
Đó là thông tin trong báo cáo “Bài học kinh nghiệm từ các tranh chấp thương mại và nguy cơ nợ xấu đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản” được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ công bố hôm 11-9.
Theo báo cáo này, tranh chấp thương mại giữa doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam với các nước liên tục tăng kể từ năm 2010 đến nay (cả về số vụ lẫn mặt hàng bị kiện). Theo đó, trong năm 2010, doanh nghiệp Việt Nam bị 3 vụ kiện, gồm 2 chống bán phá giá và 1 chống trợ cấp; năm 2011 bị 6 vụ, gồm 4 chống bán phá giá và 2 chống trợ cấp; năm 2012 là 12 vụ, gồm 9 chống bán phá giá và 3 chống trợ cấp.
Riêng trong trong những tháng đầu năm 2013, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị 3 vụ kiện chống bán phá giá và 4 vụ chống trợ cấp (số vụ kiện chống bán phá giá cập nhật đến tháng 8-2013 và các vụ kiện chống trợ cấp cập nhật đến cuối tháng 5-2013).
Về mặt hàng xuất khẩu bị kiện, năm 2010 có 3 mặt hàng gồm mắc áo, máy điều hòa và túi nhựa PE; năm 2011 tăng lên 5 mặt hàng gồm thép cuộn, sợi, giày dép, ống thép và ống thép cacbon. Đến những tháng đầu năm 2013, có đến 4 mặt hàng gồm ống thép dẫn dầu, ống thép không gỉ, thép không gỉ, tôm nước ấm đông lạnh.
Tại hội thảo “Tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu nông, thủy sản: giải pháp nào cho doanh nghiệp?” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ hôm 13-9-2013, ông Nguyễn Phương Lam, Trưởng phòng pháp chế VCCI Cần Thơ dẫn thống kê các vụ tranh chấp thương mại được giải quyết tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho thấy loại hình tranh chấp về mua bán hàng hóa chiếm tỉ lệ cao nhất, đến trên 70%; tiếp theo là gia công và xây dựng cùng chiếm 5% mỗi loại. Riêng hợp tác đầu tư chiếm 4% các vụ tranh chấp được giải quyết tại VIAC…
Theo ông Lam, qua kinh nghiệm từ những vụ tranh chấp thương mại, cho thấy doanh nghiệp xuất khẩu bị vướng hai nhược điểm rất lớn. Thứ nhất, tìm hiểu khách hàng chưa kỹ, thiếu thông tin khách hàng cũng như thông tin về thị trường nước nhập khẩu; thứ hai, do doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay chưa am hiểu nhiều về luật pháp.
“Khâu tìm hiểu khách hàng là yếu tố cực kỳ quan trọng nhưng thường bị doanh nghiệp xuất khẩu bỏ quên khi có đến 80% doanh nghiệp chưa đầu tư khâu này”, ông nói.
Một câu hỏi được đặt ra: “Doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì để đối phó với những rủi ro xuất phát từ tranh chấp thương mại?”, ông Lam của VCCI Cần Thơ, cho biết khi ký các hợp đồng xuất khẩu, doanh nghiệp cần lưu ý đến vấn đề giải quyết tranh chấp ở đâu, như thế nào… trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Đặc biệt, doanh nghiệp cần hiểu rõ về luật tranh chấp thương mại, luật quốc tế hoặc mua bảo hiểm cũng là kênh đảm bảo an toàn, tránh rủi ro cho doanh nghiệp khi có tranh chấp.
Ông Hồ Quang Đức, Giám đốc khối bảo hiểm thương mại của Công ty TNHH bảo hiểm AIG Việt Nam, cho biết đối với bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, trong trường hợp những khoản nợ xấu của doanh nghiệp không thu hồi được mà đáp ứng đủ điều kiện của hợp đồng bảo hiểm (hợp đồng mua bảo hiểm giữa doanh nghiệp xuất khẩu với công ty bảo hiểm), doanh nghiệp sẽ được công ty bảo hiểm chi trả những khoản nợ đó.
“Bằng loại hình tín dụng này, doanh nghiệp xuất khẩu có thể mạnh dạn hơn trong việc ký những hợp đồng trả chậm, khuyến khích khách hàng hiện tại mua nhiều hơn và thu hút được nhiều khách hàng mới, giúp doanh nghiệp cạnh tranh hơn so với những đối tác khác không có tham gia tín dung bảo hiểm xuất khẩu”, ông Đức cho biết.