Tin tức

Thu hút FDI: Chú trọng các dự án có chất lượng

Trong tâm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của các địa phương Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (VKTTĐPN) giai đoạn từ nay đến 2020 sẽ tập trung mục tiêu chất lượng và coi trọng nguồn vốn từ châu Á là quan điểm nhận được sự đồng thuận cao tại Hội thảo góp ý dự thảo Đề án đánh giá thực trạng đầu tư nước ngoài và định hướng đến 2020 do Bộ Kế hoạch Đầu tư tổ chức tại TP.HCM hôm 12/9/2012 vừa qua.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục ĐTNN Bộ KHĐT, đến năm 2020 FDI vẫn đóng vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong sự không ổn định của dòng vốn đầu tư gián tiếp do tình hình kinh tế thế giới phức tạp, ODA có xu hướng giảm dần và kém ưu đãi hơn, FDI vẫn sẽ là nguồn vốn quốc tế quan trọng đối với Việt Nam nói chung và VKTTĐPN nói riêng.

 

Định hướng thu hút FDI trong thời gian tới sẽ tập trung cho các ngành công nghiệp – xây dựng, dịch vụ và nông lâm ngư; các hoạt động sản xuất ở chuỗi giá trị cao hơn trong mạng sản xuất toàn cầu và khu vực để bù đắp thiếu hụt đầu tư do sự dịch chuyển FDI từ Việt Nam sang các nước có chi phí lao động thấp hơn; đối với các dự án khai thác tài nguyên chỉ cấp phép cho các dự án chế biến sâu, với công nghệ máy móc thiết bị hiện đại và có phương án xứ lý môi trường; hạn chế các dự án thâm dụng lao động mà không đòi hỏi công nghệ, giá trị gia tăng thấp; thu hút các dự án vào các ngành sản xuất đầu vào trung gian, các dự án dịch vụ trung gian và dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Trong đó, quan trọng là thu hút FDI vào ngành công nghiệp hỗ trợ.

 

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần có chiến lược thu hút thị trường và đối tác phù hợp với từng loại hình. Đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, cần tập trung thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan; đồng thời coi trọng thu hút FDI từ các nước có nền công nghệ phát triển và các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới của các nước thuộc OECD (Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế).

 

Mặt khác, cũng theo ông Đỗ Nhất Hoàng, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ các thị trường mới nổi khác như Indonesia, Myanmar, Phillipines… việc chăm sóc tốt các nhà đầu tư hiện hữu tại Việt Nam và cải thiện hơn nữa ấn tượng tốt trong cộng đồng các nhà đầu tư hiện hữu là điều rất quan trọng. Đây sẽ là kênh quảng bá cực kỳ quan trọng đến cộng đồng đầu tư nước ngoài.

 

Nhật Bản hiện đã vươn lên dẫn đầu về FDI vào Việt Nam. Nhật Bản được biết sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư ra nước ngoài nhằm khắc phục những bất cập nội tại của nền kinh tế như sự tăng giá của đồng Yên đã làm giảm sức cạnh tranh của sản xuất trong nước; cơ cấu dân số già và tăng trưởng dân số thấp đã thu hẹp thị trường nội địa, thiên tai (động đất, song thần). Việt Nam được xác định là một trong những điểm đến phù hợp cho nhà đầu tư Nhật Bản.

 

Theo hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM sẽ có một làn song các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản đầu tư sang Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ.

 

Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Lư Thanh Phong, phó giám đốc sở Kế Hoạch – Đầu Tư TP.HCM, Việt Nam nói riêng và TP.HCM nói riêng chưa thu hút được các dự án công nghiệp hỗ trợ như mong muốn. Bản thân TP.HCM sắp tới sẽ đẩy mạnh việc thu hút FDI vào công nghiệp hỗ trợ với việc thành lập khu công nghiệp chuyên về công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật và thực hiện các chuyến xúc tiến đầu tư tại Nhật vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

 

Đối với nguồn vốn từ Hàn Quốc, hiện nay các doanh nghiệp Hàn Quốc đã không còn coi Việt Nam là “miền đất hứa vô điều kiện” mà đã có cách tiếp cận thận trọng hơn đối với thị trường Việt Nam. Thay vì đầu tư mang tính ngắn hạn vào các lĩnh vực phi sản xuất (bất động sản, chứng khoán), gia công sản phẩm công nghiệp nhẹ thuần tuý (may mặc), các doanh nghiệp Hàn Quốc đã chú trọng hơn vào các lĩnh vực công nghiệp nặng, hoá dầu, năng lượng, tài chính  (ngân hàng, bảo hiểm, M&A…), dịch vụ, logistics, bất động sản có chọn lọc và nghiên cứu sản xuất sản phẩm điện, điện tử hướng tới mục tiêu tiếp cận mang tính dài hạn tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp có tỉ trọng chất xám cao.

 

Trong nửa đầu năm 2012, FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam giảm mạnh tuy nhiên Việt Nam vẫn là thị trường đầu tư FDI luỹ kế lớn thứ 3 của Hàn Quốc ở nước ngoài (sau Mỹ và Trung Quốc) và là thị trường mới nổi được các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm nhất theo điều tra của chính phủ Hàn Quốc.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong thời gian tới nếu việc xúc tiến đầu tư thuận lợi đối với các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc vào các lĩnh vực điện, điện tử, năng lượng, công nghiệp nặng, hạ tầng… thì sẽ có làn song đầu tư mới từ các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc vào Việt Nam kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

 

Đài Loan trước kia là đối tác FDI lớn của Việt Nam nhưng do sự thay đổi chính sách của Việt Nam tập trung hơn cho các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ… nên dòng vốn FDI từ Đài Loan vào Việt Nam có phần giảm sút. Tuy nhiên, Việt Nam tiếp tục được các doanh nghiệp Đài Loan đánh giá là một trong những địa điểm đầu tư quan trọng.

 

Theo kết quả điều tra doanh nghiệp Đài Loan đầu tư ra bên ngoài do Bộ Kinh Tế Đài Loan tiến hành, trong vòng 3 năm tới Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng thứ hai (chỉ sau Trung Quốc đại lục) với tỷ lệ lựa chọn Việt Nam chiếm 14,41%.

 

Đối với các nhà đầu tư Đài Loan, động cơ đầu tư vào Việt Nam bên cạnh lợi thế về chi phí lao động thấp, hiện nay còn tập trung vào tiềm năng phát triển thị trường nội địa Việt Nam và do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng theo nhu cầu của đối tác và khách hàng.

 
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status