Tin tức

Tái cơ cấu Vinashin: Yếu tố tiên quyết là năng lực quản trị

baodautu.vn) Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp là yêu cầu tiên quyết trong việc tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Đó là khẳng định của ông Trần Quang Vũ, Tổng giám đốc điều hành Vinashin, về việc thực hiện Quyết định 926/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu Tập đoàn.

Theo Quyết định 926/QĐ-TTg, Vinashin sẽ dừng 2/3 ngành nghề kinh doanh là công nghiệp cơ khí phụ trợ và hàng hải. Các dự án và đơn vị hoạt động những lĩnh vực này sẽ được điều chuyển về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Cụ thể, Khu công nghiệp tàu thủy Lai Vu (Hải Dương), gồm cả Công ty Công nghiệp Tàu thủy Lai Vu; Khu công nghiệp tàu thủy Nghi Sơn (Thanh Hóa), gồm cả Ban Quản lý Dự án Khu công nghiệp Nghi Sơn; Nhà máy đóng tàu đặc chủng và sản xuất trang thiết bị tàu thủy Nhơn Trạch (Đồng Nai); Nhà máy đóng tàu Dung Quất; Khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp (Tiền Giang); phần vốn góp của Vinashin trong Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh (Nam Định) và trong các dự án do Công ty làm chủ đầu tư được giao về PVN.

7 đơn vị khác của Vinashin được điều chuyển về Vinalines gồm: Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà (Quảng Ninh); Cảng Vinashin Đình Vũ (Hải Phòng); Khu công nghiệp và Nhà máy đóng tàu Hậu Giang; Cảng và nhà máy đóng tàu Năm Căn (Cà Mau); Công ty Vận tải Biển Đông; Công ty TNHH 1 thành viên Vận tải Viễn Dương Vinashin; phần vốn góp của Tập đoàn Vinashin trong các doanh nghiệp vận tải biển khác. Thời gian bàn giao từ ngày 1/7 và kết thúc vào quý III/2010.

Theo ông Vũ, ngoại trừ Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, tất cả các dự án và đơn vị bị chuyển giao đều đã được lãnh đạo Tập đoàn đưa vào chương trình tái cơ cấu trước khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tính toán của Vinashin cho thấy, phần vốn tại các dự án, đơn vị chuyển đổi chiếm 18 – 20% quy mô vốn đầu tư  của Tập đoàn.

Ngay sau khi Bộ Giao thông – Vận tải công bố quyết định tái cơ cấu, Vinashin đã có Nghị quyết Liên tịch của Thường vụ Đảng ủy và HĐQT Tập đoàn để triển khai.

Theo đó, cùng với việc khẩn trương bàn giao nguyên trạng các đơn vị nằm trong danh sách bàn giao tại Quyết định 926/QĐ-TTg về PVN và Vinalines, Vinashin sẽ tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của tập thể, cá nhân, bao gồm lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị thành viên, xử lý các sai phạm (nếu có).

Trước đó, Vinashin đã phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát để cắt giảm, đình hoãn, chuyển giao các dự án, chỉ giữ lại các dự án đầu tư thật sự cấp thiết, có hiệu quả trong lĩnh vực đóng và sửa chữa tàu để tập trung nguồn lực cho các dự án đóng tàu dở dang.

“Việc tái cơ cấu là cơ hội tốt cho cả Vinashin và cả các dự án và các doanh nghiệp phải điều chuyển. Đây là một quyết định đúng đắn, kịp thời của Chính phủ mang tính sống còn đối với Vinashin khi đang chạm đáy khó khăn.”, ông Vũ đánh giá và cho rằng, Vinashin sẽ có cơ hội dồn vốn lưu động vốn đang rất căng thẳng để đầu tư, thực hiện các dự án đóng tàu (lĩnh vực hoạt động chính của Tập đoàn). Còn với các dự án và các đơn vị thực hiện điều chuyển, việc đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng cũng như tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh sẽ có cơ hội lớn hơn, do 2 đơn vị tiếp nhận (PVN và Vinalines) vừa có ngành nghề gần gũi, vừa có tiềm lực tài chính tốt. Đây cũng là đánh giá ban đầu của lãnh đạo PVN và Vinalines về các dự án và doanh nghiệp sẽ được sáp nhập, dù việc tiếp nhận này với họ là tương đối bị động. 

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông – Vận tải, để có thể tái cơ cấu thành công, Vinashin sẽ phải sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức gắn với điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, trọng tâm là quản trị tài chính. Đẩy nhanh thực hiện việc chuyển nhượng phần vốn góp, giảm vốn, hoặc giải thể các công ty thành viên tại các ngành nghề không gắn kết với ngành nghề sản xuất – kinh doanh chính, các công ty hoạt động không hiệu quả và không thật cần thiết trong chiến lược phát triển của Tập đoàn…

“Cùng với việc phát triển quá nóng, năng lực quản trị, điều hành doanh nghiệp là điểm yếu lớn nhất trong quá trình phát triển mà Vinashin phải sớm khắc phục”, ông Vũ thừa nhận.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status