Tin tức

Sức bật nào cho xuất khẩu thủy sản ?

Năm 2011, XKTS của Việt Nam đạt 6,118 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2010, tuy nhiên, năm 2012, tình trạng thiếu nguyên liệu, khó khăn về thị trường, đặc biệt là thị trường EU vẫn tiếp tục chi phối tình hình XK thủy sản của Việt Nam.

Theo các doanh nghiệp thủy sản tại khu vực ĐBSCL, năm 2012, dự báo nguồn nguyên liệu thủy sản nuôi dự kiến sẽ ổn định hơn nếu có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước cho công tác sản xuất và quản lý chất lượng con giống và thức ăn để đảm bảo chất lượng thủy sản tốt hơn. Sản xuất và XK tôm sẽ phụ thuộc ít hơn vào tôm sú nhờ sự phát triển của tôm chân trắng.

Tuy nhiên, hiện nay nguồn nguyên liệu thủy sản khai thác còn bất ổn do nguồn lợi cạn kiệt, hạn chế về tàu công suất lớn và công nghệ trong khai thác, bảo quản sau thu hoạch chưa thể khắc phục trong năm nay nên sản lượng khai thác khó có thể đáp ứng được nhu cầu chế biến XK. Các doanh nghiệp chế biến chắc chắn cần một lượng nguyên liệu nhập khẩu để gia công đáp ứng nhu cầu đặt hàng của thị trường.

Về thị trường, VASEP cho biết thị trường EU sẽ khó khăn hơn, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm đắt tiền như tôm và cá ngừ sẽ hạn chế, khả năng thanh toán chậm cũng sẽ tác động đến việc chọn lựa thị trường của các doanh nghiệp XK, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, EU sẽ vẫn duy trì vị trí thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam trong năm nay, nhất là với các mặt hàng như cá tra. XK sang thị trường Mỹ và Nhật Bản vẫn tăng trưởng tốt và sẽ vẫn được giá do nhu cầu cao.

Thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp XK thủy sản trong năm nay vì đây là những thị trường tiềm năng, ít rủi ro, nền kinh tế cũng ổn định hơn.

Năm 2012, theo định hướng của Nhà nước, nhu cầu thị trường và sự linh hoạt của doanh nghiệp thủy sản, sản lượng thủy sản XK sẽ có sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng hàng GTGT, giảm xuất hàng nguyên liệu để tăng giá trị XK trong bối cảnh nguồn nguyên liệu khan hiếm.

Cụ thể, mặt hàng cá tra sẽ tiếp tục tăng trưởng thêm 8% – 10% và dự kiến sẽ đạt mức 2 tỷ USD vì nhu cầu đối với sản phẩm có giá hợp lý chất lượng tốt vẫn cao, chi phí sản xuất có thể sẽ giảm vì dự báo giá thức ăn cá giảm, sản xuất con giống sẽ được cải thiện. Sản xuất tôm XK có chiều hướng tăng mạnh đối với tôm chân trắng và duy trì ổn định mặt hàng tôm sú.

Dự báo XK tôm sẽ đạt 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, giá trị XK tôm và cá tra ước tính trên chỉ có thể đạt khi có được các biện pháp hỗ trợ và giải tỏa kịp thời của Nhà nước liên quan đến vốn, con giống và chính sách kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản XK. Xuất khẩu hải sản dự báo sẽ đạt khoảng 2 tỷ USD với nguồn nguyên liệu cá từ khai thác và nhập khẩu.

Vấn đề khó khăn hiện nay làm các doanh nghiệp xuất khẩu “kêu” nhiều là vấn đề kiểm nghiệm hàng xuất khẩu. Theo các doanh nghiệp, chi phí kiểm nghiệm lô hàng thành phẩm trước khi XK trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp do mức phí phải trả tăng trung bình 1,5 – 2 lần so với trước đó. Và nhất là việc kiểm nghiệm đã khiến đa phần các lô hàng thủy sản Việt Nam phải chờ từ 7 – 10 ngày là một bất lợi lớn so với các nước XK thủy sản tương tự Việt Nam, làm giảm hẳn năng lực và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Việc kiểm nghiệm thời gian qua chưa thật sự tuân thủ Luật An toàn thực phẩm…

VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT không yêu cầu doanh nghiệp trả phí lấy mẫu, kiểm nghiệm đối với hoạt động kiểm nghiệm phục vụ hoạt động quản lý an toàn thực phẩm của Nhà nước. Thực hiện Luật và chủ trương xã hội hóa hoạt động kiểm nghiệm, tránh gây quá tải hệ thống, kéo dài thời gian chờ đợi kiểm nghiệm các lô hàng thủy sản xuất khẩu, đề nghị cần ban hành quy định nêu rõ các doanh nghiệp có quyền chọn lựa phòng kiểm nghiệm đã được chỉ định.

Một khó khăn hiện nay là nguyên liệu cho xuất khẩu cá tra với chỉ tiêu 2 tỷ USD năm 2012. Muốn đạt được, các doanh nghiệp cần khoảng 1,3 triệu tấn cá tra nguyên liệu. Tuy nhiên hiện nay, sản lượng nuôi giảm mạnh do nông dân thiếu vốn đầu tư, còn ngân hàng không mặn mà cho vay nuôi cá tra. Nếu không giải quyết được vốn vay nuôi cá thì năm nay sẽ không đủ cá để chế biến, xuất khẩu.

Liên quan đến việc áp thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì PE để bao gói hàng xuất khẩu, Vasep đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT có ý kiến với Bộ Tài chính xem xét xếp bao bì nylon để bao gói hàng thủy sản xuất khẩu vào đối tượng không chịu thuế bảo vệ môi trường. Bao bì túi PE, PA là các loại vật tư không thể thiếu, được sử dụng đa dạng và thông dụng để bao gói sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Các doanh nghiệp thủy sản không chỉ mua các vật liệu bao gói này từ các nhà máy sản xuất bao bì trong nước, mà đồng thời có cả nhập khẩu từ nước ngoài theo yêu cầu của khách hàng hoặc do khách hàng nước ngoài cung cấp, để bao gói hàng XK.

Bắt đầu từ tháng 1-2012, thuế nhập khẩu thủy sản được áp dụng 0% thay cho mức cũ 5% (áp dụng cho khu vực mậu dịch tự do ASEAN (ATIGA), khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) và khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA).

Giấy phép nhập khẩu tự động được Bộ Công thương cấp cho thương nhân dưới hình thức xác nhận đơn đăng ký nhập khẩu cho mỗi lô hàng. Giấy phép nhập khẩu tự động của Bộ Công thương đang được cấp cho từng lô hàng nhập khẩu có giá trị trong vòng 30 ngày (có kết quả sau 7 ngày làm việc + thêm thứ 7 và chủ nhật, tất cả 9 ngày).

VASEP kiến nghị dỡ bỏ giấy phép tự động. Hoặc nếu doanh nghiệp có kế hoạch nhập trước thì cấp giấy phép theo nhu cầu (số lượng lớn và trừ dần) vì giấy phép này không ảnh hưởng đến thuế nhập khẩu (đã 0%) và quan trọng nhất là kịp thời cung cấp nguồn nguyên liệu trong nước đang thiếu trầm trọng.

Hy vọng những khó khăn của các doanh nghiệp thủy sản được tháo gỡ nhằm đạt được kim ngạch 6,5 tỷ USD năm 2012, tạo đà cho xuất khẩu những năm tiếp theo .

Hy vọng những khó khăn của các doanh nghiệp thủy sản được tháo gỡ nhằm đạt được kim ngạch 6,5 tỷ USD năm 2012, tạo đà cho xuất khẩu những năm tiếp theo .
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status