Thủy Hải Sản

Sản xuất tôm và xu hướng thương mại tôm thế giới

NK tôm vào 10 thị trường chính tăng 8% trong 9 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm 2013. Giá tôm nói chung vẫn ở mức cao trong năm vừa qua tuy nhiên chưa vượt qua mức kỷ lục đạt được trong năm 2013.

Nguồn cung
Vụ nuôi chính tại các nước Châu Á kết thúc vào đầu tháng 11 và nguồn cung thường ít dần sau đó. Tuy nhiên, khác với năm 2013, giá tôm đã giảm 10 – 15% trong 2 tháng cuối năm so với hồi tháng 9 do nhu cầu NK từ Mỹ, EU và Nhật Bản ở mức thấp. NK tôm Ấn Độ và Ecuador trực tiếp vào Trung Quốc giảm trong khi NK gián tiếp qua Việt Nam lại tăng lên.
Báo cáo sản lượng tôm nuôi năm 2014 tại một số nước đã được công bố. Nguồn cung tại các nước sản xuất lớn nhất như Trung Quốc giảm so với năm 2013. Sản lượng tôm chân trắng tại 4 tỉnh của Trung Quốc bị mưa bão trong suốt vụ nuôi khiến giá tôm nguyên liệu đứng mức cao trong suốt nửa cuối năm 2014.
Tại Thái Lan, nuôi tôm đã bắt đầu khôi phục sau Hội chứng tôm chết sớm EMS và sản lượng giảm khoảng 25% so với năm 2013 và ước đạt khoảng 180.000 – 200.000 tấn.
Tại Ấn Độ, sản lượng tăng 14 – 15% so với năm 2013. Thống kê không chính thức cho thấy sản lượng tôm chân trắng của nước này đạt 300.000 tấn trong khi đó sản lượng tôm sú chỉ đạt 20.000 tấn. So với năm 2013, sản lượng tôm chân trắng tăng thêm 50.000 tấn trong khi sản lượng tôm sú giảm 10.000 tấn. XK tôm của Ấn Độ sang các thị trường đều tăng.
Ecuador cũng là nước có tốc độ tăng trưởng cao. Theo Phòng Nuôi trồng thủy sản, sản lượng tôm của nước này năm 2014 đạt 245.000 tấn, tăng mạnh so với 214.000 tấn năm 2013. Nicaragua là vùng nuôi có sản lượng tăng mạnh nhất với 28.500 tấn, tăng 23% so với năm 2013.
Xu hướng xuất nhập khẩu
10 thị trường NK tôm hàng đầu trên thế giới gồm EU, Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc, Hong Kong, Mexico, Canada và Australia, đã NK khoảng 1,3 triệu tấn tôm trong 9 tháng đầu năm 2014, tăng 8% (100.000 tấn) so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, NK tôm vào Nhật Bản, Hong Kong và Canada lại giảm trong năm qua với mức giảm tương ứng 19%, 10% và 5%.
Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan là các nước cung cấp lớn nhất. XK tôm từ Ấn Độ tăng 47% về khối lượng và 71% về giá trị so với năm 2013.
Tiêu thụ tôm tại Nhật Bản trong mùa lễ hội vừa qua cũng khá tốt. Các nhóm sản phẩm được tiêu thụ mạnh nhất là tôm nhiệt đới khai thác tự nhiên và tôm chế biến như nobashi nguyên liệu và tôm tempura. Doanh số bán tôm chân trắng nuôi HLSO đạt mức thấp kỷ lục mặc dù nhiều chương trình khuyến mãi đã được triển khai.
Mặc dù NK tôm vào Nhật Bản giảm nhưng giá bán buôn tôm chân trắng nguyên con nguyên liệu giảm 20% trong tháng 12/2014 so với 1 năm trước. Mặc dù vậy, tiêu thụ tôm qua các kênh như siêu thị và của hàng bán lẻ vẫn không cải thiện.
Đồng yên mất giá so với đồng đô la Mỹ khiến NK tôm vào Nhật Bản trong năm vừa qua gặp khó khăn. Chi phí cập cảng cho thủy sản NK tăng, giá bán nội địa cũng tăng khiến người tiêu dùng hạn chế mua hàng. Người kinh doanh không muốn tăng giá thêm nữa bởi các nhà bán lẻ hoặc trung gian không chấp nhận.
9 tháng đầu năm 2014, tổng NK tôm các loại (nguyên liệu và chế biến) giảm gần 35.000 tấn so với cùng kỳ năm 2013. Ba nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản gồm Việt Nam với 34.477 tấn, Thái Lan; 25.857 tấn và Indonesia: 21.929 tấn. Nhu cầu đối với tôm nước lạnh của Nhật Bản tốt hơn trong đó NK từ Argentina và Nga tăng lên.
NK tôm vào Nhật Bản năm 2014 có thể chỉ bằng một nửa so với mức 320.000 tấn NK trong năm 1994.
Giá tôm tác động phần nào lên nhu cầu NK tôm vào Mỹ. Cung dường như vượt quá cầu. Giá bán buôn tôm trên thị trường Mỹ vẫn vượt xa so với các năm trước đây. Mặc dù vậy, NK tôm vào Mỹ năm 2014 vẫn tăng so với 2013 và hiện nay chuỗi phân phối nội địa đang phải giữ một lượng lớn hàng được mua với giá cao.
Nền kinh tế Mỹ nói chung đang tăng trưởng với GDP tăng 3,5% trong quý III/2014.  Bên cạnh đó, giá gas giảm cũng sẽ giảm bớt gánh nặng về chi tiêu cho người dân Mỹ. Trong mùa giáng sinh vừa qua, tiêu dùng của người dân đã cải thiện hơn khiến hoạt động kinh doanh từ chuỗi siêu thị và nhà hàng tốt hơn.
9 tháng đầu năm 2014, NK tôm vào Mỹ tăng 12% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó NK từ các nguồn cung chính như Ấn Độ, Ecuador và Indonesia đều tăng.
9 tháng đầu năm 2014, NK tôm cỡ lớn vào Mỹ tăng trong khi NK tôm cỡ nhỏ và cỡ trung giảm cho thấy nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng đắt tiền dường như cải thiện hơn. NK tôm bao bột vào Mỹ cũng tăng 12%.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2025 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status