Nông nghiệp, Thủy Hải Sản

Nông lâm thủy sản sang châu Phi chưa lo bị kiện

Các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á nhiều khả năng không bị đối diện với các biện pháp tự vệ thương mại.

Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), trong 11 tháng năm 2014, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thuộc khu vực thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á được phân chia khá rõ rệt.
Tại châu Phi, Ai Cập tiếp tục là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong khi đó, gạo lại chủ yếu được xuất khẩu sang các nước châu Phi (Ghana, Bờ Biển Ngà, Algeria, Senegal, Nam Phi…), một phần nhỏ được xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ, Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất – UAE.
Các mặt hàng nông sản khác như hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, cao su thiên nhiên lại được chủ yếu xuất khẩu sang Tây Á và Nam Á. Riêng mặt hàng lâm sản (chủ yếu là gỗ và sản phẩm gỗ) có kim ngạch xuất khẩu không đáng kể sang thị trường khu vực.
Qua theo dõi tình hình thị trường, Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á đưa ra 3 nguyên nhân để chứng minh rằng, nguy cơ các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản của Việt Nam phải đối diện với các biện pháp tự vệ thương mại từ các nước khu vực châu Phi, Tây Á và Nam Á là không cao.
Thứ nhất, đối với các mặt hàng thủy hải sản, thị trường nhập khẩu chính là các nước thuộc khu vực Tây Á và Ai Cập, trong khi những nước này lại không có điều kiện thuận lợi để sản xuất thủy sản. Đối với thị trường Ấn Độ và Pakistan (là những nước có tiềm năng về thủy sản) thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào những thị trường này cho đến nay không lớn. Ngoài ra, những thị trường nói trên cũng không thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (trừ Ấn Độ).
Thứ hai, đối với gạo, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, thị trường nhập khẩu chính là châu Phi. Đây là một trong những nhu yếu phẩm cần thiết nhất của người dân châu Phi và là mặt hàng phải nhập khẩu thường xuyên do sản xuất tại địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Vì thế, gạo của Việt Nam nói riêng và của các nước khác nói chung được nhập khẩu vào khu vực thị trường này chưa từng bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Đối với các mặt hàng nông sản khác như hạt điều, hạt tiêu, cà phê, chè thì hiện Việt Nam chỉ xuất khẩu sang những thị trường có nhu cầu lớn nhưng không có lợi thế về sản xuất như: Hạt điều sang UAE; hạt tiêu sang UAE, Ấn Độ, Pakistan, Ai Cập, Nam Phi; chè sang Pakistan; cà phê sang Algeria, Nam Phi, Ấn Độ…
Thứ ba, tại khu vực châu Phi, Tây Á, Nam Á, hai nước khá thường xuyên tiến hành các cuộc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, thời gian qua, những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng áp dụng các biện pháp phòng vệ là những sản phẩm công nghiệp như dệt may, giầy dép và một số hàng gia dụng khác chứ không phải là hàng nông, lâm, thủy hải sản.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đối với mặt hàng cao su tự nhiên xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ. Đây là mặt hàng có nguy cơ cao có thể bị phía Ấn Độ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Nguyên nhân là do Ấn Độ vừa là nước trồng nhiều cao su, vừa là nước nhập khẩu cao su để phục vụ nhu cầu làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2025 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status