Thủy Hải Sản

Xuất khẩu sang Mỹ: tôm hân hoan, cá tra chật vật

10 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã XK gần 910 triệu USD tôm sang Mỹ, vượt qua mức kỷ lục của cả năm 2013. Trong khi đó, XK cá tra sang Mỹ tính đến hết tháng 10/2014 giảm 16.2% so với cùng kỳ năm 2013. Liệu Hiệp định TPP có tạo một “cú hích” cho tôm và cá tra trên thị trường này.

Tình hình tiêu thụ và nhập khẩu tôm và cá tra tại Mỹ
Tôm và cá tra là hai trong số những loài thủy sản được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng nhất. Tiêu thụ tôm đầu người tại Mỹ luôn chiếm vị trí số 1 và đạt 1,63 kg trong năm 2013, chiếm gần 25% tổng khối lượng thủy sản tiêu thụ đầu người tại nước này. Với cá tra, từ năm 2011 tới nay, loài cá này đã vươn lên và giữ vững vị trí thứ 6 trong số các loài thủy sản được ưa chuộng nhất tại Mỹ, với mức tiêu thụ bình quân đầu người liên tục tăng từ 0,16 kg năm 2009 lên 0,35 kg năm 2013.
Tôm hiện là loài thủy sản có khối lượng NK lớn nhất vào Mỹ. Năm 2013, giá NK tôm đã tăng cao so với các năm trước. Ví dụ, chuỗi nhà hàng nổi tiếng Red Lobster cho biết công ty đã phải mua với giá cao hơn 35% cho mặt hàng tôm. Công ty Noodles & Company cũng ước tính chi phí cho tôm cho món mì Ý tăng tới 29% trong năm 2014.
Nguyên nhân cho sự tăng giá này là do tình trạng sản lượng thu hoạch thấp của các nhà sản xuất tôm hàng đầu như Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc trước dịch bệnh EMS trên tôm. Do Mỹ NK tới 90% lượng tôm được tiêu thụ nên bất cứ sự thay đổi nào từ nguồn cung nước ngoài cũng sẽ ảnh hưởng tới giá NK và tiêu dùng tại Mỹ.
Thái Lan từ vị trí số 1 năm 2012 với 136.000 tấn tôm XK sang Mỹ đã tụt xuống vị trí thứ 3 với 84.000 tấn trong năm 2013, giảm 38,2% và chỉ chiếm 16% tổng khối lượng NK tôm vào Mỹ. XK tôm Thái Lan sang Mỹ tiếp tục xu hướng giảm trong năm 2014 khi chỉ đạt hơn 49.000 tấn trong 10 tháng đầu năm 2014. NK từ Trung Quốc cũng giảm 8,9% trong giai đoạn 2012-2013. Sau năm 2012 sụt giảm mạnh, khối lượng NK từ Việt Nam đã tăng 45,2% lên gần 59.900 tấn vào năm 2013 và đã đạt gần 62.500 tấn chỉ trong 10 tháng đầu năm 2014.
Theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC), tổng khối lượng NK tôm vào Mỹ giảm 4,8% từ năm 2012 đến năm 2013, tuy nhiên tổng giá trị NK tôm vào Mỹ đã tăng 18,9% trong giai đoạn này (theo Bộ Nông nghiệp Mỹ -USDA).
Từ năm 2013 các nước như Ấn Độ đã gia tăng sản lượng giúp giảm bớt phần nào áp lực. Theo USDA, NK tôm Ấn Độ vào Mỹ tăng 42,8% trong năm 2013, từ vị trí thứ 4 năm 2012 vươn lên vị trí số 1 về khối lượng XK tôm sang Mỹ, chiếm 19%.
Đối với cá tra, theo số liệu từ Cơ quan quản lý Nghề cá Biển Quốc gia Mỹ (NMFS), số các nước XK cá tra sang Mỹ đã giảm dần trong những năm gần đây, hiện chỉ gồm Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia là chính,…, trong đó, Việt Nam vẫn là nước đứng đầu về XK cá tra sang thị trường này, chiếm tới 93% thị phần, chủ yếu dưới dạng phi lê đông lạnh (99%).
Xuất khẩu tôm và cá tra Việt Nam sang Mỹ
Mỹ hiện là thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng XK tôm của ViệtNam ra thế giới và đây cũng là mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam sang thị trường này. Năm 2013, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 831 triệu USD, tăng đột biến gần 83% so với năm 2012. Trong 10 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã XK gần 910 triệu USD tôm sang Mỹ, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2013 và đã vượt qua mức kỷ lục của cả năm 2013. Lợi nhuận của tôm XK tăng cao một phần là nhờ giá tôm đã tăng lên rõ rệt từ đầu năm 2013.
Cơ cấu mặt hàng tôm XK sang thị trường Mỹ cũng có sự dịch chuyển đáng kể với sự quan tâm nhiều hơn tới mặt hàng tôm chế biến của Việt Nam. Nếu như năm 2010, tỷ trọng tôm sống/ tươi/đông lạnh/khô (mã HS 03) chiếm tới 70% thì tính đến hết tháng 10 năm 2014, tôm mã HS 03 chỉ chiếm 55%, còn lại là tôm chế biến mã HS 1605.
Đến nay, Việt Nam vẫn giữ vị trí là nước XK cá tra hàng đầu vào thị trường Mỹ, chiếm 92,7% tổng khối lượng.
Trong giai đoạn 2010-2013, giá trị XK cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ vẫn liên tục tăng, từ 177 triệu USD lên 381 triệu USD, tăng 115%. Giá trung bình cá tra Việt Nam XK sang Mỹ hiện nay đạt 3,09 USD/kg, tăng 1,29% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Luật Nông trại 2014 (Farm Bill) và các phán quyết của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về thuế chống bán phá giá cá tra POR 9 và phán quyết sơ bộ POR 10 đã tác động mạnh đến việc XK cá tra sang Mỹ của các DN Việt Nam. Tính đến hết tháng 10-2014, XK cá tra sang Mỹ chỉ đạt trên 273 triệu USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2013.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia khác cũng đang “nhăm nhe” nhảy vào sân chơi XK cá tra nhưPhilippines, Jamaica hay Inđônêxia. Theo Tổng cục Nuôi trồng thủy sản Inđônêxia (DGFC), nước này đang xây dựng kế hoạch đẩy mạnh sản xuất cá tra để đạt mục tiêu trở thành nước sản xuất cá tra hàng đầu thế giới. Theo đánh giá của Fis, Inđônêxia có tiềm năng nuôi cá tra không thua gì Việt Nam và quốc gia này có chiến lược xây dựng thương hiệu cá tra rất hiệu quả, từ việc quan tâm đến chất lượng và hệ thống phân phối. Vì vậy, theo dự đoán sản xuất cá da trơn của Inđônêxia trong tương lai không xa sẽ ngang ngửa với Việt Nam. điều này cho thấy, cá tra ViệtNam sẽ ngày càng gặp nhiều rào cản và cạnh tranh, nhất là trên thị trường Mỹ.
TPP – liệu sẽ là đòn bẩy cho tôm và cá tra Việt Nam?
Đàm phán Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được hứa hẹn sẽ là cơ hội tốt để đẩy mạnh XK đối với một số ngành hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như gạo, thủy sản,… Tuy nhiên, liệu TPP có thực sự tạo một “cú hích” cho thủy sản Việt Nam, đặc biệt là tôm và cá tra, XK sang thị trường Mỹ?
Thuế NK là một trong những ưu đãi chính đối với các nước thành viên TPP. Tuy nhiên, XK thủy sản Việt Nam sang Mỹ không gặp khó khăn đáng kể liên quan đến thuế NK, bởi phần lớn các dòng thuế hiện đang áp dụng đối với các sản phẩm thủy sản NK đã tương đối thấp (thuế quan trung bình là 0,3% đối với các loại thủy sản sống; 4,7% đối với thủy sản chế biến), do đó TPP chỉ tháo gỡ phần nào áp lực từ thuế quan đối với DN XK thủy sản Việt Nam sang Mỹ.
Các biện pháp tại biên giới có liên quan đến việc NK như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm SPS, ở các hàng rào kỹ thuật TBT (yêu cầu về bao gói, ghi nhãn, vận chuyển….) hoặc các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp…) mới là vấn đề các DN XK thủy sản Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Hơn nữa, khi nhìn sâu hơn vào TPP và thực tế hiện tại, người ta đã đưa ra một số nhận xét: Thứ nhất, dường như đàm phán TPP hoàn toàn không tác động đến kết quả các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp ở Mỹ. Thực tế, con tôm Việt Nam thoát cáo buộc trợ cấp không phải vì DOC nương tay khi tính toán mức độ trợ cấp của Việt Nam, mà bởi Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ cho rằng sản xuất nội địa Mỹ không bị thiệt hại và vì thế không chỉ có Việt Nam, những quốc gia khác cùng bị kiện dù không phải là thành viên đàm phán TPP cũng thoát.
Thứ hai, đàm phán TPP không có nội dung nào hạn chế quyền của các quốc gia NK trong việc sử dụng các công cụ này.
Thứ ba, có một xu thế đã được nhận thấy trên thế giới rằng ở đâu các rào cản thuế quan bị loại bỏ, ở đó các biện pháp bảo hộ trá hình bị lạm dụng nhiều hơn. Nếu xu thế này là đúng với hậu TPP, các DN thủy sản, đặc biệt là tôm và cá tra, sẽ phải rất chú ý.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status