Tin tức

Nổi buồn thương hiệu nông sản Việt Nam

 Việc xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã được đẩy mạnh. Thế nhưng hàng loạt thương hiệu nông sản của Việt Nam vẫn chỉ “mon men” ở thị trường trong nước mà chưa đủ sức “công phá” vào thị trường quốc tế.

 

Hiện nay nước ta đã có các nông sản thương hiệu nổi tiếng như vải Thanh Hà, Lục Ngạn, bưởi Diễn, bưởi Năm Roi, nhãn lồng Hưng Yên, thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột… Nhiều sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa như: bưởi Đoan Hùng, chè Tân Cương, nước mắm Phú Quốc, vải thiều Thanh Hà, cà phê Buôn Ma Thuột… Nhưng các sản phẩm này vẫn chỉ “mon men” ở thị trường trong nước mà chưa ra được nước ngoài.

 

Trao đổi với PV, ông Đào Văn Hồ – Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Là một đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT, hàng năm đơn vị chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các kỳ tổ chức hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế, tổ chức hội nghị, quảng bá sản phẩm Việt Nam ở thị trường nước ngoài, tổ chức Hội nghị giao thương doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài.

 

Qua các hoạt động trên, chúng tôi nhận thấy phần lớn khách tham quan, giao dịch đều tìm đến các mặt hàng nông sản có thương hiệu như: Nhãn lồng Hưng Yên, cam sành Hàm Yên, gạo tám xoan Hải Hậu, bưởi Đoan Hùng, nước mắm Phú Quốc… Hiện nay, Việt Nam cũng đã bước đầu có một số thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường quốc tế như nước nắm Phú Quốc, cà phê G7 của Trung Nguyên, thanh long Bình Thuận, các sản phẩm của công ty Vinamit… các sản phẩm rau quả đóng hộp của Đồng Giao, Vigitagi Tiền Giang, Bích Chi Đồng Tháp.

 

Cũng theo ông Đào Văn Hồ, xây dựng thương hiệu là một quá trình lâu dài, là một trận chiến để giành niềm tin đối với khách hàng. Vì vậy trong quá trình xây dựng thương hiệu chúng ta phải cần đặc biệt quan tâm, chú trọng đến chiến lược xây dựng sản phẩm: ngoài chất lượng sản phẩm, chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến mẫu mã, kiểu dáng, tạo ta những điểm khác biệt, nổi bật của sản phẩm so với đối thủ cạnh tranh.

 

“Theo tôi xây dựng thương hiệu không phải là “hữu xạ tự nhiên hương” mà là do nhận thức của các doanh nghiệp, người dân cũng như các cấp chính quyền” – ông Hồ nói.

 

Lý giải cho những hạn chế trong việc “khoác áo” cho nông sản Việt, lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp cho rằng: Cái thiếu của chúng ta là kinh phí và nguồn nhân lực. Tiền thì quá rõ ràng rồi, điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là nguồn nhân lực.

 

Chúng ta cần khuyến khích, tập trung nguồn nhân lực có trình độ để xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh cao, khuyến khích các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực, kĩ năng, tay nghề. Ngoài ra chúng ta cần xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm nâng cao năng lực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới cho nông dân thông qua các chương trình học tập, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ.

 

“Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp hàng năm có tổ chức chương trình Nhịp cầu nhà nông cũng như mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về nông nghiệp ngay tại trung tâm hoặc các huyện thị thuộc các tỉnh lân cận. Sắp tới chúng tôi có dự định sẽ nhân rộng ra khắp các huyện, thị, tỉnh thành trong cả nước” – ông Đào Văn Hồ cho biết.

 

Chất lượng sản phẩm là yếu tố tiên quyết

 

Việc xây dựng thương hiệu đã khó, việc giữ và phát huy hiệu quả thương hiệu ngày càng khó trong thời buổi cạnh tranh ngày nay. Nhiều ý kiến cho rằng vì chúng ta mải miết xuất khẩu nông sản thô, không qua chế biến, khiến các nhà nhập khẩu đưa về gia công, chế biến rồi dán nhãn thương hiệu riêng của họ lên sản phẩm, làm nông sản Việt mất thương hiệu. Để tạo và giữ thương hiệu nông sản xuất khẩu, buộc phải quan tâm đầu tư cho khâu chế biến, nâng tầm chất lượng sản phẩm.

 

Theo ông Đào Văn Hồ, đối với việc tạo dựng thương hiệu nông sản xuất khẩu mạnh, nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố tiên quyết. Trong thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc chế biến nông sản nhằm nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, để có thể hình thành cả một ngành công nghiệp chế biến hàng nông sản cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước. Khi chúng ta đã có một ngành công nghiệp chế biến phát triển, lúc đó ta mới có thể nghĩ tới việc xây dựng được các thương hiệu sản phẩm nông sản xuất khẩu đủ mạnh trong cạnh tranh quốc tế.

 

Hiện nay ngành nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương để triển khai việc thực hiện sản xuất kinh doanh nông sản theo chuỗi từ sản xuất đến thu hái, bảo quản, chế biến và tiêu thụ để từ đó có thể truy xuất nguồn gốc một cách rõ ràng.

 

Năm 2013 tiếp tục là một năm ngành nông nghiệp tập trung vào việc nâng cao chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện sự hợp tác công tư PPP, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới với việc phát triển cánh đồng mẫu lớn để phát huy hiệu quả việc liên kết 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.

 

Vì thế để tạo và giữ thương hiệu cho nông sản xuất khẩu, chúng ta cần quan tâm đầu tư cho khâu chế biến, tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm đặc biệt là cho xuất khẩu cũng như tiêu dùng nội địa thực hiện cuộc vận động của Bộ Chính trị “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status