Nếu cần một lúc 50 hướng dẫn viên có thể huy động được, nhưng gọi một hướng dẫn viên đủ trình độ để quản lý một đoàn khách đi xuyên Việt hay đủ trình độ để giới thiệu bản sắc dân tộc với du khách thì rất khó.
Những năm gần đây, ngành du lịch đã có nhiều nỗ lực đưa hình ảnh của Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Việc Việt Nam trở thành một trong những điểm đến của du khách nước ngoài là một thành công trong nỗ lực đó… Khi du khách nước ngoài đến Việt Nam, ấn tượng đầu tiên với họ, không phải là những danh lam thắng cảnh, những món ăn… mà chính là những người họ tiếp xúc đầu tiên – các hướng dẫn viên du lịch. Thế nhưng, không phải cả 6.000 người hiện đang hành nghề hướng dẫn viên du lịch trong cả nước đều đảm bảo “chất lượng” để góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế. Vấn đề này đang là nỗi trăn trở của những người hoạt động trong ngành du lịch
Tại Vòng Chung kết cuộc thi “Hướng dẫn viên du lịch giỏi Hà Nội năm 2010” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức vừa diễn ra, nhà sử học Lê Văn Lan khá buồn rầu về kiến thức lịch sử của những hướng dẫn viên du lịch. Những kiến thức lịch sử là một đòi hỏi quan trọng trong hành trang vào nghề của hướng dẫn viên du lịch, thế nhưng rất nhiều người có những nhầm lẫn cơ bản và không thể chấp nhận được. Thậm chí có những hướng dẫn viên khi giới thiệu cho khách có những lời nói gây cười hơn là tạo sự tin tưởng trong lời thuyết trình…
Tháng 6 vừa qua, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 376.000 lượt. Tính chung 6 tháng của năm 2010 ước đạt trên 2,5 triệu lượt. Còn lượng khách du lịch nội địa cao gấp nhiều lần, ước đạt 17 triệu lượt. Thu nhập từ hoạt động du lịch ước đạt khoảng 45.000 tỉ đồng… Lượng khách du lịch là rất lớn, số thu từ ngành kinh doanh siêu lợi nhuận này cho ngân sách nhà nước là không nhỏ, thế nhưng liệu những hướng dẫn viên du lịch của chúng ta vẫn còn đang ở trong tình trạng thiếu và yếu như hiện nay thì ai có thể khẳng định được họ sẽ đảm bảo là chiếc cầu nối quan trọng đưa du khách đến với nền văn hóa “đậm đà bản sắc” của chúng ta?
Hành động và khẩu hiệu năm 2010 của ngành du lịch là “Việt Nam – điểm đến của bạn”, thế nhưng điểm đến ấy, liệu có làm cho du khách nhớ và quay trở lại hay không khi một con số thống kê cho thấy có tới trên 70% khách không bao giờ quay trở lại Việt Nam lần thứ hai? Tất nhiên, không thể quy hết trách nhiệm này cho hướng dẫn viên du lịch, vì họ chỉ là một phần rất nhỏ trong phần trách nhiệm ấy. Thế nhưng để du khách có ấn tượng tốt về hình ảnh một Hà Nội – thành phố vì hòa bình; về Việt Nam – một địa chỉ du lịch văn hóa, người hướng dẫn viên du lịch phải giỏi, phải nắm vững kiến thức cơ bản về văn hóa, xã hội, lịch sử,…
Nhận xét về trình độ của hướng dẫn viên du lịch hiện nay, đặc biệt là những hướng dẫn viên du lịch hoạt động trên địa bàn Hà Nội, ông Mai Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội lo lắng: “Hiện nay, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch của Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung chưa đáp ứng được hoàn toàn yêu cầu của ngành du lịch Việt Nam cũng như của ngành du lịch Hà Nội hiện nay. Thực tiễn đó đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các cơ sở đào tạo du lịch, các nhà hoạch định chính sách về du lịch cần phải có nhiều hoạt động, giải pháp để góp phần phát triển đội ngũ hướng dẫn viên du lịch cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, phát triển của ngành du lịch”.
Trong số 6.000 hướng dẫn viên được các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp thẻ hành nghề, có tới gần một nửa trong số họ chỉ có thẻ hướng dẫn viên tạm thời. Việc trình độ hướng dẫn viên du lịch còn nhiều yếu kém là dễ hiểu khi tình trạng nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch và việc quản lý các công ty du lịch lữ hành vẫn còn nhiều “dễ dãi”.
Nhận xét về trình độ của các hướng dẫn viên du lịch trẻ tuổi hiện nay, anh Trần Quốc Hưng, một hướng dẫn viên du lịch kỳ cựu của Công ty du lịch Hà Nội Red Tours cho rằng: “Hiện nay, có thể thấy, lượng hướng dẫn viên du lịch ở Việt Nam thừa thì rất thừa, nhưng thiếu cũng rất thiếu. Nếu cần một lúc 50 hướng dẫn viên có thể huy động được, nhưng gọi một hướng dẫn viên đủ trình độ để quản lý một đoàn khách đi xuyên Việt hay đủ trình độ để giới thiệu bản sắc dân tộc với du khách thì rất khó”.
Để du khách đến, nhớ tới và muốn quay trở lại Việt Nam, nhiệm vụ của ngành du lịch Việt Nam là hết sức quan trọng và nặng nề. Cùng với việc phối hợp với các cấp, các ngành nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng, các dịch vụ du lịch, việc đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch là một việc cần phải được chú trọng đầu tư hơn nữa…/.