Khám phá

Ðộc đáo vườn quốc gia U Minh Hạ

Vườn quốc gia U Minh hạ nằm giáp ranh trên địa bàn các xã Khánh Lâm, Khánh An, Khánh Bình Tây Bắc và Trần Hợi của hai huyện U Minh và Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Nơi đây có hệ sinh thái rừng tràm sáu tháng ngập nước và sáu tháng khô hạn. Rừng với giá trị rất cao về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, môi trường, văn hóa và lịch sử.

Trải qua bao thế hệ con người đi khai hoang, mở đất, nhưng vốn rừng vẫn không mất đi, rừng vẫn được bảo tồn và phát triển.
Trước khi chính thức trở thành Vườn quốc gia U Minh hạ vào đầu năm 2006, đây là Khu bảo tồn thiên nhiên Vồ Dơi nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam. Vườn quốc gia U Minh hạ có diện tích gần mười nghìn ha, trong đó gần bảy nghìn ha rừng, chủ yếu là rừng gần như còn nguyên sinh. Ðây là khu rừng lõi của toàn bộ vốn rừng U Minh hạ được bảo vệ khá nghiêm ngặt nhằm bảo tồn các loài động thực vật rừng trên đất than bùn, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học; giữ gìn cảnh quan môi trường…
Hệ thực vật, động vật rừng tràm Vườn quốc gia U Minh hạ rất phong phú; đến nay được ghi nhận: thực vật có 79 họ, với hơn 30 loài cây, tiêu biểu nhất vẫn là cây tràm; động vật thuộc lớp thú có 32 loài gồm 13 họ; lớp chim có 74 loài, trong đó có hàng chục loại chim, thú quý hiếm được ghi vào Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Về thủy sản, dưới tán rừng U Minh hạ ngập nước vào mùa mưa là nơi sinh sản, trú ngụ của nhiều loài cá nước ngọt như cá lóc, cá rô, cá trê, thác lác…
Theo hiện trạng quy hoạch, Vườn quốc gia U Minh hạ gồm ba phân khu: phân khu bảo tồn hệ sinh thái rừng trên đất than bùn; phân khu phục hồi và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng; phân khu dịch vụ hình chính. Bao bọc chung quanh Vườn quốc gia U Minh hạ còn có 25 nghìn ha rừng và đất vùng đệm.
Theo tài liệu khoa học, rừng tràm U Minh hạ Cà Mau điển hình cho việc bảo vệ, ổn định môi trường sinh thái cho vùng Bán đảo Cà Mau, người ta còn ví nó là “lá phổi xanh” cho cả Nam Bộ. Giá trị và tầm quan trọng của nó đã được ghi nhận trong thư mục rừng ở các nước vùng châu Á.
Rừng ngập ở đây với nét đặc sắc riêng có đất than bùn khá dày, nước đỏ; là nơi trú ngụ của nhiều động, thực vật quý hiếm; nơi cung cấp lâm sản, gieo trồng lúa, trồng các loại cây ăn quả, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; là nơi sinh sống của các cộng đồng dân cư địa phương.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, rừng tràm U Minh hạ là vùng căn cứ địa cách mạng của cả Nam Bộ, có ý nghĩa lớn trong lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc; nơi gắn liền với nhiều di tích lịch sử cách mạng và giáo dục truyền thống yêu nước của vùng đất U Minh trung dũng, kiên cường.
Với ý nghĩa và nét đặc thù này, thời gian gần đây, tỉnh Cà Mau đã dồn sức đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, trước hết là xây dựng trên 100 km đường láng nhựa, rải đá… đi sâu và chạy vòng vèo dưới tán các cánh rừng vừa phục vụ phòng, chống cháy rừng vừa tạo thuận lợi cho cư dân vùng rừng sinh hoạt, đi lại thông thoáng cho khách tham quan du lịch.
Từ vùng đất heo hút, giờ đây trên vùng đất Vườn quốc gia U -Minh hạ mỗi ngày nhộn nhịp hơn bởi các công trình quốc gia: Cụm công nghiệp khíđiện -đạm, Khu công nghiệp Khánh An và nhiều công trình phục vụ dân sinh khác đã và đang tiếp tục được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều, góp phần làm đổi thay vùng đất nghèo khó U Minh.
Ðể bảo vệ và làm giàu vốn rừng Vườn quốc gia U Minh hạ, tỉnh Cà Mau đã triển khai một số nhiệm vụ, chương trình hoạt động cụ thể: quản lý bảo vệ đa dạng sinh học về tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan; phát triển và giữ vốn rừng hiện có, trồng rừng mới, xúc tiến tái sinh rừng; xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ; lập dự án để mời gọi, hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch sinh thái trên vùng đệm của Vườn quốc gia.
Với bước đi và cách làm khá cụ thể, Vườn quốc gia U Minh hạ không chỉ là nơi bảo tồn toàn bộ những giá trị hệ sinh thái của rừng tràm mà nơi đây, trong tương lai không xa sẽ là điểm tham quan, du lịch sinh thái lý thú tại Cà Mau.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status