Kinh tế xã hội

Một số điều cần biết khi kinh doanh với thị trường Áo

1. Các qui định về xuất nhập khẩu
1.1 Chứng từ nhập khẩu
Những chứng từ cần thiết khi nhập khẩu hàng hoá vào Áo:

+ Hoá đơn thương mại
+ Tờ khai nhập khẩu hải quan
+ Chứng từ quá cảnh
+ Giấy phép nhập khẩu
Giấy phép nhập khẩu
EU nói chung và Áo nói riêng yêu cầu giấy phép nhập khẩu đối với một số mặt hàng trong đó có nông sản có nguồn gốc từ những nước ngoài EU. Ngoài ra, Áo áp dụng qui định đặc biệt cho một số sản phẩm nhất định của một số nước như giày dép đến từ Trung Quốc.
EU quản lý hạn ngạch nhập khẩu thông qua việc cấp giấy phép nhập khẩu cho các công ty đạt tiêu chuẩn. Thông thường, nhà nhập khẩu Áo phải có giấy phép xuất khẩu từ nước xuất khẩu (trong trường hợp được áp dụng), sau đó xin giấy phép nhập khẩu từ các cơ quan có thẩm quyền của Áo. Nhà nhập khẩu nên liên lạc với Agrar Markt Austria (AMA) về các vấn đề liên quan đến nhập khẩu nông sản. Cơ quan cấp giấy phép nhập khẩu cho phần lớn các sản phẩm khác là Bộ Kinh tế và Lao động Áo.
Việc nhập khẩu nguyên liệu phục vụ chiến tranh cần có giấy phép nhập khẩu và sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền cho từng kiện hàng nhập khẩu. Cơ quan chịu trách nhiệm quản lý về vấn đề này là Bộ Nội vụ Áo.
1.2 Các mặt hàng cấm nhập khẩu

Cá ngừ đỏ Đại Tây Dương (Thunnus Thynnus) nhập từ Belize, Panama, và Honduras
+ Đồ chơi có chứa Sulphat đồng
+ Các mặt hàng có lưỡi dao mềm có bọc nhựa, đồng hoặc vải cao su
+ Dược liệu và chất gây nghiện bị cấm
+ Cây cảnh, cây chanh và rượu nho
+ Tất cả các dạng sợi amiăng
+ L-trytophane và bất kỳ mặt hàng nào có chứa L-trytophane
+ Tẩy cao su giống các sản phẩm thực phẩm có thể ăn được
+ Nhiệt kế y tế có chứa thuỷ ngân dùng cho người.
+ Một số hoóc môn bò của Mỹ
1.3 Các mặt hàng hạn chế nhập khẩu

+ Xác người, các cơ quan và bộ phận cơ thể người, phôi người và động vật, hài cốt người hoặc đã thiêu hoặc chưa được mai táng.
+ Chất nổ
+ Súng cầm tay, vũ khí các loại và các bộ phận có liên quan.
+ Thực phẩm và đồ uống dễ hỏng được bảo quản lạnh hoặc dưới sự kiểm soát của môi trường khác.
+ Động vật sống(bao gồm cả côn trùng) ngoại trừ thông qua tổ chuyên trách về động vật sống(1.800.405.9052).
+ Thực vật và nguyên liệu thực vật gồm cả hoa.
+ Xổ số và các thiết bị đánh bạc bị cấm tại tỉnh, địa phương.
+ Tiền(tiền xu, tiền mặt, ngoại tệ, tiền giấy và các hình thức có thể quy đổi sang tiền mặt như trái phiếu, công trái và séc).
+ Xu, tem sưu tập.
+ Tài liệu, sách báo khiêu dâm.
+ Chất thải nguy hiểm bao gồm hoặc không hạn chế tới như kim tiêm hoặc ống tiêm đã qua sử dụng hoặc chất thải y tế khác.
+ Hàng hoá có thể gây nguy hại, trở ngại tới thiết bị, con người hoặc các hàng hoá khác.
+ Hàng hoá bị cấm vận chuyển, nhập khẩu hoặc xuất khẩu.
+ Hàng hoá có giá trị vượt quá giá trị cho phép tại hải quan nơi tới.
+ Hàng hóa nguy hiểm ngoại trừ được phép của cơ quan quản lý hàng hoá nguy hiểm.
+ Động vật chết đã xử lý hoặc chưa qua xử lý gồm cả côn trùng và vật nuôi.
+ Bao gói ướt, dò dỉ hoặc bốc mùi.
1.4 Tạm nhập
Chính phủ Áo không đánh thuế những sản phẩm được tạm nhập khẩu vào Áo theo diện hàng quá cảnh, hàng dùng để trưng bày tại các hội chợ – triển lãm. Nhà nhập khẩu phải đặt cọc một khoản tiền tương đương với trị giá thuế nhập khẩu (khoản tiền này có thể được hoàn lại sau khi hàng rời khỏi Áo).
Trong trường hợp hàng nhập khẩu để sử dụng tại Áo và sau đó chuyển trả lại nước xuất khẩu (ví dụ như: máy móc, thiết bị) thì mức thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng đối với mặt hàng đó là 3%.
Nếu các bộ phận thay thế của một sản phẩm được nhập khẩu tạm thời để phục vụ việc sửa chữa sản phẩm, thì sản phẩm đó sau khi sửa nếu xuất khẩu sẽ không bị đánh thuế. Trong trường hợp này, nhà nhập khẩu nên sử dụng “hộ chiếu” sản phẩm.
1.5 Nhập khẩu hàng mẫu và tài liệu quảng cáo

Hàng mẫu có thể được miễn thuế nếu:
+ Có giá trị nhỏ (từ 45 Euro trở xuống),
+ Mẫu hàng do yêu cầu đặt hàng của loại hàng hoá có hàng mẫu
+ Mỗi loại hàng mẫu không có nhiều hơn một mẫu
+ Hàng mẫu được cung cấp trực tiếp từ nước ngoài
+ Hàng mẫu sẽ được sử dụng hoặc huỷ trong khi thử nghiệm và được đóng gói, được ghi nhãn ngăn không sử dụng ngoài mục đích làm mẫu Một số mẫu hàng có giá trị thương mại có thể vào Áo và được miễn thuế nếu có đảm bảo hoặc đặt cọc nếu toàn bộ số thuế và thuế quan được trả. Những mẫu này phải được tái xuất trong vòng 1 năm để bù đắp số tiền đặt cọc.
2. Chính sách thuế và thuế suất
2.1 Thuế nhập khẩu
Cũng như EU, Áo áp dụng các mức thuế suất thuế nhập khẩu khác nhau nhưng tương đối thấp đối với những sản phẩm khác nhau. Trên thực tế, hơn một nửa sản lượng nhập khẩu từ các nước không phải EU vào Áo không bị đánh thuế nhập khẩu. Mức thuế suất trung bình của Áo cho các sản phẩm công nghiệp là 3,5%, mặc dù một số mặt hàng bị đánh thuế nặng hơn. Ví dụ: ô tô chở khách và máy móc văn phòng bị đánh thuế 10%. Thuế đánh vào một số loại giày dép và xe sử dụng động cơ đặc biệt có thể lên tới 18%. Doanh nghiệp nước ngoài có thể tham khảo thông tin về thuế suất thuế nhập khẩu vào EU nói chung và Áo nói riêng tại các trang web sau đây:
http://Europa.eu.int/comm/taxation_customs/dds/en/tarhome.htm; http://www.taric.com.
2.2 Thuế giá trị gia tăng
Sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Áo phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT). Thuế này được tính trên giá trị nhập khẩu của sản phẩm. Nhà nhập khẩu sẽ được hoàn thuế VAT từ cơ quan thuế sau khi sản phẩm đã được bán lại trên thị trường. Mức thuế suất thuế VAT thông thường ở Áo là 20%. Đối với thực phẩm, thuế VAT là 10%. Các loại đồ uống có cồn nằm trong nhóm sản phẩm chịu mức thuế suất VAT là 20 %.

3. Quy định về bao gói, nhãn mác
Qui định về bao gói, nhãn mác ở Áo nhiều khi không khắt khe như ở một số nước đang phát triển khác(ví dụ Hoa Kỳ). Trên nhãn mác thực phẩm không cần phải có thông tin dinh dưỡng. Các thiết bị điện tử không cần có cảnh báo về an toàn. Những qui định quan trọng nhất bao gồm hướng dẫn giặt là trên sản phẩm may mặc, và chứng nhận an toàn (dấu CE) trên máy móc, đồ chơi, và đồ dùng cho trẻ em. Nhãn mác cũng không cần phải in bằng tiếng Đức, mặc dù dùng nhãn mác bằng tiếng Đức sẽ có lợi cho việc tiếp thị sản phẩm.
Những sản phẩm không có đầy đủ nhãn mác sẽ không bị từ chối ở cửa khẩu hải quan. Nhà nhập khẩu chỉ cần chịu trách nhiệm đảm bảo sản phẩm của mình được chứng nhận và đóng dấu theo qui định trước khi bán ra thị trường. Không có thủ tục đặc biệt nào giành cho các nhà nhập khẩu nhận hàng không đóng dấu hay có nhãn mác tại biên giới.
Các nhà sản xuất nên lưu ý trên mọi nhãn mác, đơn vị sản phẩm phải là hệ mét, mặc dù việc sử dụng hai hệ thống đo lường vẫn được chấp nhận cho đến cuối tháng 12 năm 2009. Việc sử dụng ngôn ngữ gì trên nhãn mác phải từng là nội dung thảo luận của Hội đồng Truyền thông Châu Âu. Hội đồng này khuyến khích việc sử dụng nhiều ngôn ngữ cùng một lúc, trong khi vẫn tôn trọng quyền của các nước thành viên được phép qui định ngôn ngữ của nước tiêu thụ là một trong các ngôn ngữ xuất hiện trên nhãn mác.
EU (trong đó có Áo) qui định một số sản phẩm cụ thể phải được bán theo khối lượng chuẩn. Chỉ thị 80/232/EC đề ra phạm vi sai lệch cho phép của khối lượng ít nhất, dung tích của dụng cụ đựng và thể tích của một loạt các sản phẩm. Chi tiết nội dung Chỉ thị này có thể tham khảo tại:
(http://Europa.eu.int/eur-lex/en/consleg/main/1980/en_1980L0232_index.html).
Nhãn mác môi trường: EU (trong đó có Áo) ban hành một bộ luật vào năm 1992, sửa đổi vào năm 2000, để phân biệt những sản phẩm góp phần bảo vệ môi trường bằng một loạt các phương thức nhãn mác không bắt buộc gọi là nhãn mác môi trường. Dấu hiệu tượng trưng – một bông hoa xanh – là dấu hiệu không bắt buộc. Bông hoa xanh này chỉ được trao cho những nhà sản xuất có thể chứng minh được rằng sản phẩm của mình ít làm hại đến môi trường hơn là những sản phẩm cùng loại khác. Nhãn hoa xanh được đưa ra cũng nhằm mục đích khuyến khích người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm không làm hại môi trường. Tuy nhiên, chương trình nhãn hoa xanh không thiết lập những tiêu chuẩn về môi trường mà tất cả các nhà sản xuất phải tuân theo. Sản phẩm không có nhãn hiệu bông hoa xanh vẫn có thể thâm nhập thị trường Châu Âu chừng nào các sản phẩm này đạt những điều kiện tối thiểu về sức khỏe, an toàn và môi trường.
Các đối tác muốn xuất khẩu sang EU nói chung và Áo nói riêng có thể cho rằng chương trình nhãn mác môi trường này là một rào cản thương mại không chính thức, được xây dựng không dựa trên những kết luận khoa học rõ ràng và xác thực, và có thể sẽ đối xử không công bằng với các doanh nghiệp nước ngoài. Chương trình nhãn mác môi trường là một chương trình tốn kém (doanh nghiệp có thể phải trả tới 1.300 Euro cho việc đăng ký, 25.000 Euro/năm để mua quyền sử dụng nhãn mác xanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ được giảm 25%). Chính vì thế mà chương trình không được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, nhãn mác xanh có thể là một công cụ tiếp thị rất tốt, vì nhu cầu sử dụng những sản phẩm xanh và sạch ngày càng gia tăng ở Châu Âu nói chung và Áo nói riêng. Trong tương lai, bông hoa xanh có thể trở thành một dấu hiệu mà người tiêu dùng tìm kiếm.
4. Quy định về kiểm dịch động thực vật
Áo quy định nhà xuất khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật với sản phẩm tươi như rau quả. Sản phẩm có nguồn gốc động thực vật xuất sang Áo phải được giám định bởi Cơ quan giám định thực phẩm có thẩm quyền của nước sản xuất, đảm bảo rằng không có côn trùng và bệnh tật.
Đối với Việt Nam, để xuất khẩu sang Áo, sản phẩm trước hết phải đạt tiêu chuẩn EU và làm thủ tục đăng kí với Chi cục vùng của Áo và Nafiqaved (Cục quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản Việt Nam). Văn phòng kiểm dịch động vật liên bang (FVO – Federal veterinary office) của Áo chịu trách nhiệm kiểm dịch hàng nhập khẩu.
Việc nhập khẩu thực vật sống phải tuân theo các quy định của Công ước về buôn bán quốc tế những loài động vật thực vật có nguy cơ bị đe dọa (Công ước CITES) do Văn phòng kiểm dịch liên bang (Cục bảo vệ thực vật liên bang) Áo chịu trách nhiệm kiểm soát. Đây là Công ước mà Áo là một bên tham gia kí kết. Công ước này quy định việc cấm, hạn chế và kiểm soát thương mại quốc tế đối với các loài vật nuôi, cây trồng có nguy cơ bị đe doạ.
5. Quyền sở hữu trí tuệ
Áo có các luật đủ hiệu lực để bảo vệ Quyền Sở hữu trí tuệ, bao gồm các luật về kiểu dáng và thương hiệu; Luật Bảo vệ kiểu dáng và mẫu công nghiệpvà Luật Bản quyền. Luật pháp cũng bảo vệ thiết kế sắp đặt chíp bán dẫn điện tử ba chiều. Để hài hòa với các yêu cầu liên quan của EU, Áo đã có Luật Chống hàng giả.
Áo tham gia Công ước về Quyền Sở hữu trí tuệ Quốc tế (WIPO) và một số công ước về tài sản quốc tế bao gồm Công ước về kiểu dáng Châu Âu, Hiệp ước Hợp tác về phát minh Kiểu dáng, Công ước Bản quyền thế giới và Hiệp định Geneva về Đăng ký các tác phẩm nghe nhìn Quốc tế.
Những sửa đổi trong năm 2005 và 2006 đối với Luật Kiểu dáng công nghiệp của Áo đã tăng cường việc bảo hộ bằng sáng chế của các doanh nghiệp có tính đổi mới, đặc biệt là về việc thông qua các thủ tục thực hiện rõ ràng và hiệu quả hơn. Người ta chỉ có thể phản đối sau khi nhà chức trách đã cấp bằng sáng chế và quyền nhận được thông tin từ nhà chức trách đã đưa ra.
Luật Bản quyền của Áo phù hợp với hướng dẫn của EU về Quyền Sở hữu trí tuệ và cấp cho tác giả độc quyền xuất bản, phân phối, nhân bản, mô phỏng, diễn giải và phát đi các tác phẩm của mình. Luật về bản quyền của Áo cũng quy định bản quyền của các phương tiện kỹ thuật số (hạn chế đối với các bản sao cá nhân), các tác phẩm trên mạng, các chương trình bảo vệ máy tính và bồi thường thiệt hại liên quan.
6. Khu vực tự do thương mại
Áo không có khu vực tự do thương mại.
7. Qui định về tiêu chuẩn đối với hàng hoá và dịch vụ
Là một thành viên của EU nên Áo tuân theo các tiêu chuẩn EU. Trong khi một số tiêu chuẩn Châu Âu được ban hành thành luật, nhiều tiêu chuẩn khác vẫn còn trong giai đoạn chuyển đổi, một số các tiêu chuẩn còn lại thì vẫn chưa được áp dụng ở từng nước thành viên. Trong trường hợp không có tiêu chuẩn của EU, tiêu chuẩn quốc gia sẽ được áp dụng.
Tiêu chuẩn quốc gia của Áo do Cục Tiêu chuẩn Áo (Oesterreichisches Normungsinstitut – ON) xây dựng và thực hiện. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận được kết hợp với Quốc hội Áo theo Bộ luật tiêu chuẩn năm 1971. ON cũng có thể cung cấp thông tin về các tiêu chuẩn phi chính phủ.
ON xây dựng tiêu chuẩn cho các lĩnh vực như: quặng và kim loại, công trình cơ khí, xây dựng, thiết bị y tế, nguyên vật liệu phi kim loại, công nghiệp hóa chất và các ngành liên quan, công nghệ đặc biệt, an toàn cá nhân, thực phẩm, môi trường, và quản lý rác thải.
90% tiêu chuẩn của ON là tự nguyện. Loạt tiêu chuẩn ISO 9000 về quản lý chất lượng là một trong những tiêu chuẩn tự nguyện quan trọng nhất của Áo và có thể áp dụng trong hầu hết các ngành công nghiệp.
Để biết thêm chi tiết, doanh nghiệp có thể liên lạc với ON theo địa chỉ:
Oesterreichisches Normungsinstitut (ON)
(Cục Tiêu chuẩn Áo)
Heinestrasse 38, Postfach 130
A-1021 Viên, Austria
Tel: (43 1) 213 00-613
Fax: (43 1) 213 00-650
Web: http://www.on-norm.at/
Các sản phẩm được kiểm tra và chứng nhận ở nước ngoài có thể sẽ bị kiểm tra và chứng nhận lại theo qui định của EU (trong đó có Áo), vì EU có thể có cách tiếp cận khác đối với việc bảo vệ sức khỏe và an toàn của người tiêu dùng cũng như môi trường. Khi không nằm trong một hệ thống qui định kỹ thuật cụ thể nào đó, sản phẩm đều phải tuân theo Chỉ Thị của EU về An toàn cho các Sản phẩm Thông thường cũng như một số qui định khác.
http://Europa.eu.int/comm/consumers/cons_safe/prod_safe/index_en.htm
Các tiêu chuẩn của EU được xây dựng trong những năm gần đây theo Các Tiếp Cận Mới được áp dụng tại tất cả 27 nước thành viên EU để đảm bảo hàng hóa có thể di chuyển tự do giữa các nước thành viên. Mục đích của chương trình tiêu chuẩn hóa toàn EU theo Các Tiếp Cận Mới là hệ thống hóa quá trình tiêu chuẩn hóa kỹ thuật, và xây dựng tiêu chuẩn của một số nhóm sản phẩm bao gồm máy móc, đồ chơi, sản phẩm xây dựng, bộ phận điện từ, thiết bị bảo vệ cá nhân, thiết bị cân nặng không tự động, thiết bị y tế, thiết bị khí, nồi hơi, thiết bị trạm truyền thanh và viễn thông (RTTE). Cũng theo Các Tiếp Cận Mới, các Chỉ thị nêu rõ các qui định thiết yếu về an toàn, sức khỏe và môi trường. Ba tổ chức tiêu chuẩn khu vực EU CEN, CENELEC và ETSI, được Ủy Ban chỉ định xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất với những qui định quan trọng nhất của Chỉ Thị EU. Mặc dù hệ thống tiêu chuẩn chung của các nước thành viên EU tạo điều kiện cho các sản phẩm xâm nhập thị trường của các nước này một cách thuận lợi, các nhà sản xuất nên lưu ý rằng các qui định và tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau có thể trở thành rào cản thương mại nếu tiêu chuẩn của nước xuất khẩu khác các tiêu chuẩn của EU.
Chứng nhận: Các tổ chức chứng nhận độc lập đã được cơ quan có thẩm quyền ủy nhiệm tiến hành và chứng nhận tiêu chuẩn EU.
Quá trình ủy quyền cho các tổ chức chứng nhận độc lập hoạt động được tiến hành ở cấp quốc gia. “Tổ chức Chứng nhận Châu Âu” (http://www.European-accreditation.org/) là một tổ chức đại diện cho các tổ chức chứng nhận quốc gia. Các tổ chức chứng nhận quốc gia tại các nước Châu Âu đều có thế tham gia vào hệ thống này nếu họ chứng minh được rằng họ có thể quản lý một hệ thống chứng nhận tuân thủ qui định EN45003 hoặc ISO/IEC Hướng dẫn 58.
Đánh giá tính hợp chuẩn:
Đánh giá tính hợp chuẩn là một bước bắt buộc đối với các nhà sản xuất khi muốn buôn bán ở EU nói chung và Áo nói riêng. Mục đích của việc đánh giá tính hợp chuẩn là để đảm bảo việc nhà sản xuất tuân thủ qui định của EU trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất. Luật Sản phẩm của Châu Âu cho nhà sản xuất một số cơ hội chọn lựa liên quan đến công tác đánh giá tính hợp chuẩn, phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm khi sử dụng sản phẩm. Các chọn lựa này có thể là tự chứng nhận, kiểm tra theo chủng loại, hệ thống kiểm tra chất lượng sản xuất, và hệ thống bảo đảm chất lượng toàn diện. Doanh nghiệp có thể truy cập danh sách các tổ chức đánh giá tính hợp chuẩn của các nước thành viên tại địa chỉ trực tuyến sau của Ủy ban Châu Âu: http://Europa.eu.int/comm/enterprise/nando-is/home/index.cfm.
Để thúc đẩy quá trình chứng nhận tiêu chuẩn cho sản phẩm cuối cùng, doanh nghiệp có thể tham gia các chương trình đánh giá tính hợp chuẩn tự nguyện. Hệ thống chứng nhận của CEN là Keymark, dấu CENCER, và Nhóm Hiệp định Tiêu chuẩn Châu Âu. CENELEC cũng có một chương trình riêng tại www.cenelec.org/Cenelec/Homepage.htm. Còn ETSI không cung cấp các dịch vụ đánh giá tính hợp chuẩn.
Dấu chứng nhận về độ an toàn cho người dùng (CE):
CE (European Conformity) là nhãn hiệu bắt buộc đối với hàng hoá (theo quy định) và được coi như hộ chiếu thương mại vào thị trường EU. Trước hết, CE chú trọng đến vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ thiên nhiên hơn là đến chất lượng của sản phẩm. CE là bắt buộc đối với các sản phẩm, được quy định tại 25 nước EU, trong đó có Áo, thậm chí tại cả các nước Ailen, Liechtenstein và Na Uy.
• Dấu CE chỉ yêu cầu đối với những loại sản phẩm gồm:
– Đồ chơi
– Máy móc
– Thiết bị điện
– Thiết bị điện tử
– Thiết bị y tế
– Thiết bị bảo hộ cá nhân
– Thiết bị áp lực
– Thiết bị y tế cấy ghép
– Thiết bị y tế chẩn đoán trong ống nghiệm
– Thiết bị vô tuyến và viễn thông đầu cuối
– Bình áp lực đơn giản
– Các dụng cụ đốt cháy nhiên liệu khí gas
– Thang máy
– Các thiết bị dùng cho ngành giải trí
– Thiết bị cân không tự động
– Các đường cáp treo
– Các thiết bị và máy xây dựng
– Các loại thuốc nổ dân dụng
– Các thiết bị và hệ thống bảo vệ phòng chống cháy nổ
– Bình đun nước nóng.
Để bán sán phẩm trong danh mục nêu trên cho thị trường gồm 25 nước thành viên của EU trong đó có Áo, các nhà xuất khẩu nước ngoài cần áp dụng dấu CE. Những quị định sản phẩm có mang dấu CE cho các nhà sản xuất một số cơ hội lựa chọn, cũng như phải quyết định những vấn đề an toàn, sức khỏe cần quan tâm, những mô hình đánh giá tính hợp chuẩn nào thích hợp nhất với quá trình sản xuất cụ thể, và liệu có phải sử dụng những tiêu chuẩn chung của toàn Châu Âu hay không.
Các sản phẩm được sản suất theo tiêu chuẩn của CEN, CENELEC và ETSI, và được công bố trên Nhật Ký Chính Thức là những sản phẩm đạt chuẩn chung, được coi là đã thỏa mãn yêu cầu của các Chỉ Thị EU. Nhà sản xuất lúc này có thể đánh dấu CE cho sản phẩm của mình và đưa ra tuyên bố sản phẩm của mình thực hiện đúng các qui định.
Nhà sản xuất có thể không sử dụng các tiêu chuẩn chung của EU, nhưng phải chứng tỏ rằng sản phẩm của mình vẫn thỏa mãn các qui định thiết yếu nhất về an toàn và chất lượng. Rào cản thương mại xảy ra khi tiêu chuẩn về thiết kế, chứ không phải chất lượng, được các tổ chức tiêu chuẩn Châu Âu xây dựng, và khi đối tác nước ngoài không có thông tin về quá trình tiêu chuẩn vì không có mặt ở Châu Âu.
Mục đích của CE chủ yếu là để làm đơn giản hóa quá trình kiểm tra thị trường tối thiểu đối với một số mặt hàng của của các cơ quan kiểm soát quốc gia của các nước thành viên. Mặc dù dấu CE được dùng chủ yếu cho mục đích kiểm tra, người tiêu dùng có thể coi đây là một dấu hiệu chứng nhận chất lượng.
Dấu CE không bao gồm thông tin kỹ thuật cụ thể của sản phẩm, nhưng phải có đủ thông tin để cơ quan kiểm soát có thể tìm đến nhà sản xuất hoặc là đại diện của nhà sản xuất ở Châu Âu. Thông tin này không nên xuất hiện bên cạnh dấu CE, mà được khai trong bản tuyên bố thỏa mãn qui trình, chứng nhận qui trình( nhà sản xuất hay người đại diện lúc nào cũng phải sẵn sàng xuất trình giấy chứng nhận qui trình và hồ sơ kỹ thuật của sản phẩm) hoặc trên những văn bản kèm theo sản phẩm.
8. Thành lập doanh nghiệp
Các nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập doanh nghiệp ở Áo dưới hình thức là một chi nhánh trực thuộc của một công ty nước ngoài hoặc một công ty con độc lập.
Loại hình công ty thông thường nhất mà một Nhà đầu tư nước ngoài thành lập và hoạt động ở Áo đó là một công ty trách nhiệm hữu hạn (Gesellschaft mit beschrankter haftung – Aó).
Các bước tiến hành để thành lập doanh nghiệp:
+ Đăng ký và nhận thông báo xác nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp mới tại Phòng Kinh tế địa phương ở Áo. Thời gian thực hiện : một ngày và không phải nộp phí.
+ Công chứng các quy chế/điều khoản hoặc công bố thành lập. Thời gian thực hiện : 4 ngày, chi phí 1.000-1.500 Euro.
+ Đặt cọc tối thiểu bằng tiền mặt tại ngân hàng : 1 ngày.
+ Đăng ký tại toà án địa phương (Hand elsgericht) và đăng thông cáo thành lập ở Wiener Zeitung : 7 ngày để đăng ký vào sổ, 1-2 tuần cho thông báo, đóng phí 202 Euro.
+ Đăng ký thương mại (Gewerbeanmeldung) với cơ quan Thương mại (Bezirksverwaltungsbehörde): 1 ngày, được miễn phí
+ Đăng ký tại phòng thuế (nhận mã số thuế giá trị gia tăng) : 12 ngày, miễn phí.
+ Đăng ký nhân viên làm thủ tục an sinh : 1 ngày, không phải nộp lệ phí.
+ Đăng ký với chính quyền thành phố : 1 ngày, không phải nộp lệ phí.

9. Văn hoá kinh doanh


Tập quán kinh doanh
Môi trường kinh doanh ở Áo tương đối trang trọng. Trong phần lớn trường hợp giao tiếp, trang phục thích hợp nhất là complê và cà vạt. Khách sẽ được mời uống trong buổi gặp mặt( thường là cà phê, nước trái cây, hay nước lọc). Khách nên lịch sự chấp nhận lời mời này.
Khi gặp gỡ lần đầu tiên, đối tác nên bắt tay và giới thiệu cả họ, tên của mình. Ở Áo, tên ( không họ) chỉ được dùng giữa những người bạn thân hay đồng nghiệp đã biết nhau lâu năm. Việc gọi tên đối tác kinh doanh Áo( không có họ) là không thích hợp, trừ khi đối tác người Áo chủ động đồng ý( thường là sau một cốc rượu với khách). Để đạt được mức độ thân mật này, có lẽ phải tốn một vài tuần hay một vài năm; còn trong nhiều trường hợp thì không bao giờ xảy ra.
Sự trang trọng trong giao tiếp của người Áo thể hiện rõ nhất và khiến người nước ngoài lúng túng nhất là việc dùng danh hiệu và tước vị(cho dù là bằng cấp đại học hoặc địa vị trong một công ty hay trong chính phủ). Doanh nhân nước ngoài có thể thấy danh hiệu của đối tác người Áo in trên danh thiếp hay thư từ của họ. Và người Áo muốn đối tác nước ngoài gọi tên họ, lẫn danh hiệu và tước vị của mình. Những danh hiệu phổ biến nhất là:
+ “Universitätsprofessor” Viết tắt.: Univ. Prof. – đây là danh hiệu của một Giáo sư thường xuyên tại một trường đại học.
+ “Doktor” Viết tắt.: Dr. – bằng Tiến sĩ. Còn DDr. là danh hiệu của người có hai bằng Tiến sĩ.
+ “Magister” Viết tắt.: Mag. – bằng Thạc sĩ Nghệ thuật.
+ “Diplom Ingenieur” Viết tắt.: D.I. hay Dipl. Ing. – bằng Thạc sĩ Khoa học.
+ “Ingenieur” Viết tắt: Ing. – bằng về một môn kỹ thuật tại một tổ chức giáo dục ( không phải trường đại học).
+ “Kommerzialrat” Viết tắt. Komm.Rat – danh hiệu danh dự cho những đóng góp trong thương mại do một tổ chức nào đó của Chính phủ cấp.
Trong nhiều trường hợp, đối tác Áo có thể có trên một danh hiệu; danh hiệu cao nhất sẽ được liệt kê cuối cùng. Ví dụ, một đối tác có thể có tên và danh hiệu như sau: D.I. Dr. Peter Mustermann, Direktor.
Những hành động như: kỹ năng bán hàng gây sức ép, cử chỉ quá thân mật đối với người lần đầu tiên gặp gỡ hoàn toàn xa lạ với người Áo và chắc chắc sẽ sớm chấm dứt cuộc thương lượng.
Một số phong tục tập quán cần lưu ý
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status