Thủy Hải Sản

Mở rộng thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu nông, thuỷ sản

 Hội nghị bàn các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản trong năm 2014 và các năm tiếp theo được hai bộ – Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng tổ chức tại Hà Nội vừa qua. Hội nghị còn có đại diện các Bộ, ngành, các Hiệp hội và doanh nghiệp nông, thuỷ sản…

Tuy vậy, hiện nay sản xuất, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn đang phải tiếp tục đối diện với nhiều thách thức. Đó là nhu cầu tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu vẫn còn yếu, trong khi áp lực cạnh tranh cao; xu hướng các nước tăng cường áp dụng các rào cản thương mại và kỹ thuật đối với hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu; chi phí sản xuất cũng như chi phí vận tải đều tăng, v.v… Bên cạnh đó, những hạn chế của sản xuất và xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản từ nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết như công tác quy hoạch vùng sản xuất, nuôi trồng chưa nhất quán và đồng bộ; tỷ lệ sản phẩm nông sản, thủy sản chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao để phục vụ xuất khẩu còn thấp; năng lực tài chính và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu còn yếu kém. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu quốc gia còn hạn chế.
Vì vậy, trong 5 nhóm giải pháp chung, có nhóm giải pháp về phát triển thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Vấn đề này cần được triển khai theo cách tiếp cận chuỗi giá trị ngành hàng, nhất là để xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm và phát triển xuất khẩu bền vững.
Theo đó, rà soát nhu cầu nông sản, thuỷ sản tại các thị trường, cơ chế chính sách nhập khẩu của các nước. Tích cực đàm phán mở rộng thị trường, cụ thể là đưa các nội dung về giảm thuế, mở cửa thị trưởng, dỡ bỏ các rào cản thương mại, kỹ thuật… trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại quan trọng.
Tăng cường cập nhật, theo dõi diễn biến sản xuất, và dung lượng, giá cả hàng hoá nông, thuỷ sản thị trường quốc tế, của một số thị trường lớn. Đẩy mạnh tuyên truyền về hàng nông, thuỷ sản của Việt Nam. Phổ biến các Hiệp định thương mại về tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu mặt hàng này… cho các hiệp hội và doanh nghiệp.
Tăng cường kinh phí thực hiện các Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia đối với nhóm hàng nông, thuỷ sản tại các thị trường trọng điểm. Ưu tiên khi phê duyệt các đề án xúc tiến thương mại mới đối với nhóm hàng nông, thuỷ sản thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia hàng năm theo hướng bổ sung kinh phí và số lượng các đề án. Nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả khi thực hiện các Đề án đó.
Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông, thuỷ sản trước hết cho gạo, cà phê, cá ba sa. Việc xây dựng thương hiệu phải là tâm điểm trong Chương trình Thương hiệu quốc gia.
Tăng cường vai trò của các Thương vụ, Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trong việc thực hiện các nhiệm vụ nói trên./.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2025 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status