Với giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm đạt khoảng 25 tỷ USD, chiếm gần 25% GDP cả nước, các khu công nghiệp và khu chế xuất đang thực sự là động lực quan trọng giúp nền kinh tế “cất cánh.”
Đầu tư đúng hướng và hiệu quả
Việc tập trung đáng kể nguồn lực trong 20 năm qua để phát triển các khu công nghiệp và khu chế xuất đã “đơm hoa kết trái.” Tính đến hết năm 2010, các khu công nghiệp, khu chế xuất đã thu hút được hơn 8.500 dự án đầu tư với trên 70 tỷ USD vốn đầu tư, trong đó trên 50 tỷ USD là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Có thể nói các khu công nghiệp là một trong những điểm đến trọng yếu đối với FDI tại Việt Nam. Tính đến cuối tháng 9/2010, Việt Nam đã có 254 khu công nghiệp và khu chế xuất, trong đó 171 khu đã đi vào hoạt động và có mặt tại 57 tỉnh, thành trong cả nước.
Theo đánh giá của Công ty nghiên cứu thị trường Colliers International Vietnam, các khu công nghiệp và khu chế xuất của Việt Nam với các chính sách ưu đãi và cơ sở hạ tầng có chất lượng đã hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Riêng 5 năm 2006-2010, Việt Nam đã đạt được mức tăng ấn tượng cả về số lượng các dự án FDI mới (2.309 dự án) và tổng vốn đầu tư (42 tỷ USD), gấp gần 1,7 lần số dự án và gấp hơn 5 lần về số vốn đầu tư so với giai đoạn 2001-2005.
Với chính sách đầu tư phát triển đúng hướng này, các nhà đầu tư nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã mạnh tay đầu tư vào các khu công nghiệp và trở thành các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại các khu công nghiệp của Việt Nam. Các nước này thậm chí còn tự mở một số khu công nghiệp chỉ chấp nhận các nhà đầu tư đến từ chính nước đó, hoặc một lĩnh vực cụ thể riêng biệt.
Chính sách cần linh hoạt
Thực tế cho thấy chính sách đầu tư phát triển các khu công nghiệp làm động lực chính cho tăng trưởng công nghiệp của Chính phủ Việt Nam đã giúp các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài được hưởng lợi đáng kể từ chính sách thuế ưu đãi, thủ tục đầu tư đơn giản, hỗ trợ trong việc cung cấp lao động và các nguồn lực khác. Tuy nhiên, các chính sách hiện hành vẫn phát sinh những vấn đề nhất định.
Theo các chuyên gia của Colliers International Vietnam, việc thiếu nguồn lao động có tay nghề, cơ sở hạ tầng chưa phát triển phù hợp với yêu cầu thực tế, cảng biển kém phát triển và sự phức tạp của khuôn khổ pháp lý và thuế hiện nay đang là những tác nhân khiến nhiều nhà đầu tư phải tốn nhiều thời gian “nâng lên đặt xuống” kỹ càng để chọn vị trí phù hợp nhất cho loại hình kinh doanh của họ.
Hiện giá thuê trung bình năm 2010 tại khu công nghiệp đã tăng lên đến 58 USD/m2/thời hạn hoạt động còn lại, so với mức 41,3 USD/m2 của năm 2008. Thêm vào đó, chi phí vật liệu xây dựng và giá nhiên liệu tăng khiến nhiều nhà đầu tư “chùn bước” mở rộng sản xuất kinh doanh; làm tỷ lệ lấp đầy trung bình giảm từ mức 69% (năm 2008) xuống 54% (năm 2010).
Các nhà đầu tư hiện đang có xu hướng thỏa thuận diện tích thuê thông qua quyền sử dụng đất cho thời hạn hoạt động còn lại của khu công nghiệp và tự xây dựng với vốn tự có. Những quyền sử dụng đất này có giá dao động vào khoảng 20-200 USD/m2 cho khoảng thời gian bằng với thời hạn hoạt động còn lại của khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều nhà đầu tư mong muốn thuê diện tích với thời hạn linh động hơn và thuê các cơ sở đã xây dựng sẵn hoặc xây theo yêu cầu nhằm đáp ứng các khoản đầu tư tài chính cao và các rủi ro liên quan tới sở hữu quyền sử dụng đất.
Thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những năm tới sẽ là một thời kỳ vô cùng quan trọng đối với phát triển ngành công nghiệp tại Việt Nam. Trong khi đó, giá thuê đất sẽ tiếp tục tăng cao trong mối tương quan chặt chẽ với nhu cầu và lạm phát. Tỷ lệ lấp đầy sẽ tăng ở mức vừa phải, thúc đẩy bởi sự hồi phục của ngành sản xuất công nghiệp. Nhiều địa điểm mới vẫn chưa đủ sức cạnh tranh so với những khu vực hiện đang thu hút nhiều chú ý nhất nhờ có những lợi thế lớn về vị trí, cơ sở hạ tầng và kinh tế.
Vì vậy, Việt Nam cần có các chính sách linh hoạt trong phát triển để khu công nghiệp, khu chế xuất tiếp tục có được sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư, góp phần giúp nền kinh tế “cất cánh” thực sự.