Bàn về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 12, chiều 26/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Nếu không cải cách, đổi mới môi trường thu hút đầu tư thì chắc chắn sẽ tụt hậu, không thể cạnh tranh được trong bối cảnh các nước trong khu vực liên tục có những chính sách cởi mở thu hút đầu tư”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2012 -Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2012 -Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các thành viên Chính phủ đều thống nhất cho rằng việc đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư, khắc phục những tồn tại, chồng chéo trong thu hút đầu tư nước ngoài là rất bức thiết, đặc biệt trong bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Ba định hướng lớn
Từ nay đến năm 2020, Chính phủ đưa ra 3 định hướng chung đối với công tác thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó ưu tiên ngành, lĩnh vực trước, rồi mới tới vùng, lãnh thổ.
Thứ nhất, quy hoạch, lựa chọn các dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sản phẩm có sức cạnh tranh cao và phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế của từng vùng, từng ngành, từng quốc gia.
Thứ hai, thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, doanh nghiệp phụ trợ.
Thứ ba, chuyển dần thu hút đầu tư nước ngoài với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Từng ngành, lĩnh vực cũng có định hướng cụ thể.
Công nghiệp – Xây dựng tập trung thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành sản xuất công nghệ cao; cơ khí chế tạo; dược phẩm; sinh học và năng lượng tái tạo; năng lượng sạch; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp phục vụ nông nghiệp; vật liệu xây dựng chất lượng cao, áp dụng công nghệ mới.
Các ngành công nghiệp chế biến, chế tác, công nghiệp năng lượng, khai khoáng, luyện kim, hóa chất sẽ chọn lọc trong thu hút vốn đầu tư.
Lĩnh vực cơ sở hạ tầng ưu tiên kêu gọi vốn đầu tư vào các dự án thuộc danh mục kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Ngành nông lâm ngư nghiệp hướng thu hút đầu tư nước ngoài vào nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học; chế biến nông sản và bảo quản sau thu hoạch; sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y.
Ngoài ra, cần tập trung thu hút vào những lĩnh vực dịch vụ “trung gian” có chất lượng cao; ưu tiên đa dạng hóa loại hình sản phẩm du lịch và hình thành một số khu du lịch có tầm cỡ quốc tế.
Để thực hiện được những định hướng nêu trên, Chính phủ sẽ thực hiện nhiều biện pháp, bao gồm sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư; chấn chỉnh, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư; hoàn thiện quy trình liên quan đến việc kiểm soát máy móc, thiết bị nhập khẩu và môi trường; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước sau cấp giấy chứng nhận đầu tư; nghiên cứu lập Ban Chỉ đạo đầu tư nước ngoài tầm quốc gia để đủ thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ Kế hoạch Đầu tư kiến nghị trong thời gian tới sẽ lựa chọn khoảng 30 tập đoàn xuyên quốc gia về cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo để tiếp cận và giới thiệu dự án cụ thể.
Việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ tập trung để giới thiệu môi trường đầu tư một cách chủ động, thống nhất, thay vì giao cho các địa phương tự tổ chức như hiện nay.
Sửa ngay những chính sách không còn phù hợp
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam là rất quan trọng, trong 20 năm qua đã đem lại những thành tựu to lớn, góp phần vào công cuộc phát triển đất nước.
Tuy trong quá trình thực hiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn một số điểm còn bất cập, hạn chế, nhưng chủ trương nhất quán chung được thống nhất cao từ Nghị quyết của Đại hội Đảng đến các văn bản chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương là không thể không thu hút đầu tư nước ngoài. Quan trọng là phải cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài.
“Nếu không cải cách, đổi mới môi trường thu hút đầu tư thì chắc chắn sẽ tụt hậu, không thể cạnh tranh được trong bối cảnh các nước trong khu vực liên tục có những chính sách cởi mở thu hút đầu tư. Yêu cầu đặt ra là môi trường, chính sách thu hút đầu tư của ta không thua kém so với các nước trong khu vực”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành cần rà soát để sửa chữa kịp thời những chính sách ưu đãi đầu tư đã không còn phù hợp, tập trung vào các chính sách về phí, thuế, giải phóng mặt bằng…