Cùng với việc đề xuất cho các dự án đầu tư mở rộng được hưởng ưu đãi đầu tư, Bộ Tài chính cũng đã đưa quy định về ưu đãi thuế với khu công nghiệp (KCN) vào Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi.
“Được vậy thì quá tốt”. Đó là bình luận của ông Võ Văn Hải, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, khi được biết thông tin tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 18/3, Bộ Tài chính đã trình Dự thảo Luật Thuế TNDN sửa đổi và một trong những nội dung được đông đảo nhà đầu tư trông chờ, đó là sẽ bổ sung quy định ưu đãi thuế TNDN đối với KCN.
Kể từ khi Luật Thuế TNDN 2008 có hiệu lực (1/1/2009), ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN, và cả doanh nghiệp đầu tư trong KCN đều bị bãi bỏ. Từ đó tới nay, thu hút đầu tư vào KCN rất khó khăn.
“Có những thời điểm, chẳng nhà đầu tư nào vào cả”, ông Hải nói.
Thực tế này không chỉ diễn ra ở Nghệ An, mà ở khắp cả nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhiều lần khẳng định điều này và cũng đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính, khi sửa đổi Luật Thuế TNDN thì nên khôi phục ưu đãi thuế TNDN cho KCN.
“Việc bỏ quy định ưu đãi thuế đối với KCN đã phát sinh bất cập, do hầu hết các KCN được phân bố ở vùng kinh tế trọng điểm (chiếm khoảng 80% trong tổng số KCN), không thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, tuy có thuận lợi về vị trí, hạ tầng, nhưng chi phí đền bù, xây dựng hạ tầng cao, dẫn đến giá thuê lại đất trong KCN rất cao. Vì vậy, nếu không có chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với KCN, thì rất ít doanh nghiệp đầu tư vào đây”, lãnh đạo Bộ Tài chính đã lý giải như vậy và cho biết, trong Dự thảo Luật Thuế TNDN mà Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này, có quy định rằng, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới tại KCN (trừ KCN thuộc các thành phố trực thuộc Trung ương) được miễn thuế TNDN trong 2 năm, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 4 năm tiếp theo.
“Việc ưu đãi thuế cũng cần có chọn lọc, tránh dàn trải. Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương (bao gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ) đã được định hướng phát triển thành các trung tâm dịch vụ, tài chính, văn hoá của cả nước, thì không cần thiết khuyến khích phát triển các KCN”, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.
Tuy nhiên, trái với đề xuất về việc cho dự án mở rộng đầu tư được hưởng ưu đãi thuế, đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ dư luận, thì dự thảo quy định về việc bổ sung ưu đãi đối với KCN lại có nhiều ý kiến trái chiều.
Quan điểm từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các cơ quan quản lý đầu tư, cũng như các nhà đầu tư là đồng tình. Nhưng đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách lại không tán thành đề xuất này.
Theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, chính sách ưu đãi thuế đối với KCN đã được áp dụng, nhưng trên thực tế đã dẫn đến tình trạng ưu đãi tràn lan. “Việc phần lớn doanh nghiệp đều lựa chọn đầu tư vào KCN tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi về hạ tầng, giao thông đã làm giảm hiệu quả chính sách thu hút đầu tư vào phát triển vùng miền khó khăn, đặc biệt khó khăn”, ông Hiển nói.
Luật Thuế TNDN được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cần phải hiểu rộng như là Luật Khuyến khích đầu tư trong nước. Vì thế, cần giảm mức thuế suất thuế TNDN để đủ sức hấp dẫn thu hút đầu tư. Nhưng giảm thuế chỉ là một khía cạnh, những ưu đãi về thuế chính là một trong những công cụ tốt để Việt Nam có thể tăng cường thu hút FDI, nhất là trong bối cảnh dòng vốn này vào Việt Nam đang sụt giảm trong thời gian gần đây.