Phát triển nguồn nhân lực vừa có tính cấp bách, vừa mang ý nghĩa chiến lược và cũng là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, phải đặt lên vị trí hàng đầu trong quá trình phát triển của du lịch Việt Nam. Thời gian qua, công tác này đang được chú trọng trong chiến lược phát triển ngành Du lịch, tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại cần được điều chỉnh đổi mới…
Chưa có mã ngành
Theo báo cáo của Bộ VHTTDL, hiện cả nước có trên 1,3 triệu lao động du lịch và liên quan, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước, trong đó có khoảng 420.000 lao động trực tiếp làm việc trong các cơ sở dịch vụ du lịch. Như vậy, nhu cầu nhân lực cho du lịch sẽ rất lớn. Năm 2010, nhu cầu lao động trực tiếp trong ngành Du lịch ước tính lên tới 333.400 người và tỉ lệ tăng bình quân mỗi năm là 8,5%, con số tương ứng tại năm 2015 sẽ là 503.200 người và 10,2%. Số lượng lao động qua đào tạo cần tăng thêm khoảng 19.000 người mỗi năm. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức khi mà chất lượng lao động của ngành du lịch chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi của thị trường.
PGS. TS Trần Thị Minh Hòa, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV)cho rằng: thực trạng đào tạo của ngành Du lịch của chúng ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế về số lượng, đặc biệt chất lượng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu xã hội. Thực tế, nhiều trường đại học rất nặng về lý thuyết, tách rời nhu cầu xã hội giữa nhà trường và doanh nghiệp. Các cơ sở đào tạo ngành Du lịch của chúng ta đang đào tạo theo kiểu mạnh ai nấy làm. Cùng với đó, hiện tại các cơ sở đào tạo du lịch tại các trường ở Việt Nam vẫn chưa có một mã ngành thống nhất. Dẫn tới chất lượng đào tạo của các trường vênh nhau rất nhiều. “Chúng ta phải đào tạo đáp ứng với nhu cầu của xã hội chứ không nặng nề theo tính hàn lâm vì ngành Du lịch với đặc thù là ngành kinh tế, vì vậy nó đòi hỏi phải có kiến thức thực tế và kỹ năng nghề nghiệp”- Bà Hòa nói.
Thực tế, trong gần 20 năm qua, số lượng lao động trong ngành Du lịch tăng nhanh. Theo số liệu của năm 2008, có khoảng 285 nghìn lao động trực tiếp, còn lực lượng lao động gián tiếp ước khoảng 750 nghìn người, chiếm 2,5% lao động toàn quốc. Tỷ lệ lao động có chuyên môn du lịch chiếm khoảng 42,5%. Cơ sở đào tạo nhân lực du lịch cũng tăng đáng kể. Ðến nay cả nước có 40 trường đại học có khoa du lịch, ngành đào tạo du lịch hoặc liên quan đến du lịch cùng 43 trường trung cấp du lịch và nhiều trung tâm đào tạo nghề du lịch. Nhu cầu về chất lượng nhân lực ngành Du lịch tăng cao đặt ra cơ hội cho người học và thách thức cho người sử dụng.
Theo TS. Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Văn hóa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa: nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao là yếu tố cực kỳ quan trọng để đạt năng lực cạnh tranh cao của điểm đến du lịch nói chung và mỗi doanh nghiệp nói riêng trước những yêu cầu mới. Chính vì thế, trong giai đoạn hiện nay, cả giảng viên và sinh viên cần phải nâng cao, cập nhật các tri thức mới, nắm chắc khoa học kỹ thuật có liên quan đến ngành nghề, vững vàng về kiến thức chuyên môn, bộc lộ và phát huy được những tố chất tốt đẹp của bản thân để tạo nên được thế cạnh tranh trong môi trường hoạt động nghề nghiệp hiện nay.
Một số ý kiến cho rằng, ngành Du lịch nên phối hợp các ban, ngành liên quan triển khai thực hiện một số giải pháp. Cùng với đó, cần hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế quản lý và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch, bao gồm xây dựng, ban hành và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, quy định về đào tạo du lịch liên quan trực tiếp đến cơ sở đào tạo, hình thức đào tạo du lịch, đội ngũ giảng viên, đào tạo viên, xã hội hóa đào tạo, hợp tác quốc tế, tuyển dụng và sử dụng lao động du lịch. Nhà nước cũng cần ban hành các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của doanh nghiệp trong việc đào tạo lại đội ngũ nhân lực du lịch; Tăng cường kinh phí đào tạo cũng như nâng cấp cơ sở vật chất; Cho phép đa dạng hóa việc liên kết đào tạo ở nhiều cấp độ khác nhau, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo chủ động mời gọi doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo.
Cần sự liên kết ba nhà
TS. Dương Văn Sáu đề xuất: “Để nâng cao chất lượng đào tạo cho nguồn nhân lực du lịch các cơ sở đào tạo cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba nhà: cơ quan quản lý nhà nước – doanh nghiệp – nhà trường làm sao cho chính sách, thực tế và đào tạo sử dụng hợp lý phù hợp với nhu cầu xã hội, thị trường. Bởi chính thị trường là nơi đánh giá chính xác nhất thành quả đào tạo”.
Đồng quan điểm này, theo ông Nguyễn Đình Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam (VITOURS): ngoài việc nhà trường và doanh nghiệp bắt tay, các cơ sở đào tạo cần có sự tăng cường học hỏi lẫn nhau vì đây là ngành nghề đặc biệt mở và luôn thay đổi, mới mẻ.
Chủ trương xã hội hóa trong đào tạo du lịch, có sự kết hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp, người học để xây dựng đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỹ năng nghiệp vụ, phẩm chất và trách nhiệm, đổi mới công nghệ, tăng cường quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, tạo kiến thức vững vàng cho sinh viên khi ra trường, trong bối cảnh các cơ sở đào tạo đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất để sinh viên thực hành, một số cơ sở đào tạo du lịch của các trường đại học đã tìm ra những sáng kiến để đổi mới trong công tác dạy và học. Khoa Du lịch, Trường Đại học KHXH&NV đã chủ động thành lập mạng lưới cựu sinh viên với mục đích giúp nhà trường phát triển đào tạo của mình. “Khoa đang có những cựu sinh viên hiện giữ khá nhiều vị trí quan trọng trong các khách sạn, doanh nghiệp lữ hành lớn. Đây sẽ là mạng lưới hữu ích để khoa vận dụng liên kết đào tạo thực hành cho sinh viên của mình. Thực tế nhà trường đã có những mối quan hệ rất tốt với các khách sạn 5 sao, 4 sao và nhiều doanh nghiệp lớn”- TS. Hòa nói.
Không giống như khoa Du lịch Trường Đại học KHXH&NV, để bổ sung kiến thức thực tế, khoa Văn hóa – Du lịch, Đại học Văn hóa, ngoài công tác giảng dạy trên giảng đường hàng năm thường tổ chức tour xuyên Việt cho sinh viên. Những chuyến đi trải nghiệm như vậy sẽ giúp ích cho sinh viên rất nhiều khi ra trường. Cùng với đó, để loại bỏ những bài giảng nhàm chán, mỗi tuần một lần, các giảng viên trong khoa thường tổ chức định kỳ toạ đàm về các bài giảng với mục đích đưa ra trao đổi góp ý cho các bài giảng.
Thực tế trong những năm gần đây công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành Du lịch đã đạt được một số thành tựu đáng kể như: quy mô tuyển sinh ngày càng tăng, từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tế; mạng lưới cơ sở đào tạo du lịch bậc đại học, cao đẳng trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và nhiều trung tâm dạy nghề được hình thành và phát triển nhanh, đang được định hướng, quy hoạch và điều chỉnh hợp lý. Cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch được nâng cấp, xây dựng mới, trang bị ngày càng đồng bộ và hiện đại. Đội ngũ giáo viên, giảng viên và đào tạo viên tăng nhanh về số lượng, nâng dần về kiến thức nghiệp vụ, ngoại ngữ và có trách nhiệm với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch. Chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng từng bước được chuẩn hóa. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên một bước, lực lượng lao động có tay nghề cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế đã được hình thành. Đây là những tín hiệu tốt trong công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành Du lịch trong bối cảnh mới.