Mặc dù gặp nhiều khó khăn sau thảm hoạ động đất, sóng thần ngày 11/3 vừa qua, nhưng Đại sứ Nhật Bản, ngài TANIZAKI YASUAKI vẫn khẳng định, hiện Nhật Bản chưa có thay đổi về tài trợ đối với Việt Nam.
Nhật Bản là nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam. Liệu những khó khăn sau thảm hoạ có ảnh hưởng đến tài trợ của Nhật Bản cho Việt Nam, thưa ngài?
Tôi chưa nhận được bất cứ một chỉ thị nào cho thấy có sự thay đổi về tài trợ của Nhật Bản trong thời gian tới do tác động của thảm hoạ. Tôi hy vọng, cam kết viện trợ của Nhật Bản sẽ và nên được duy trì như trước đây.
Do nhu cầu tài chính để tái thiết đất nước, Nhật Bản có thể giám sát chặt hơn việc sử dụng vốn ODA của các nước được nhận tài trợ. Ngài đánh giá thế nào về hiệu quả sử dụng vốn ODA Nhật Bản của Việt Nam?
Cá nhân tôi rất lạc quan khi nói đến hiệu quả sử dụng vốn ODA Nhật Bản của Việt Nam. Cho đến nay, các dự án tại Việt Nam có tài trợ của Nhật Bản đang được thực hiện rất hiệu quả. Tất nhiên, cũng có ngoại lệ, khi một số dự án bị chậm tiến độ do khó khăn về giải phóng mặt bằng.
Nhiều công ty Nhật Bản nhập linh kiện từ các công ty nằm trong vùng thảm hoạ để phục vụ việc lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam. Theo ngài, thảm hoạ vừa qua ảnh hưởng thế nào đến các công ty này?
Những ảnh hưởng loại này chỉ mang tính ngắn hạn. Không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam, mà còn ảnh hưởng trên phạm vi thế giới, bởi các công ty nằm ở những khu vực chịu thảm hoạ phải dừng hoạt động. Một vài trong số những công ty này là những nhà sản xuất nổi tiếng về thiết bị bán dẫn cho ô tô. Vì vậy, ngành sản xuất ô tô của Nhật Bản, của châu Âu, của Mỹ đã bị ảnh hưởng mạnh vì phải phụ thuộc nhiều vào các linh kiện này. Tuy nhiên, nhiều công ty ô tô đã cố gắng tăng cường sản xuất ở các nước khác để giảm thiểu tác động tiêu cực nêu trên. Có thể sẽ phải mất một vài tháng để các công ty này đưa sản xuất trở về mức bình thường.
Đâu là những ảnh hưởng mang tính trung và dài hạn đối với đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam?
Vẫn còn quá sớm để bình luận về tác động trung và dài hạn. Cá nhân tôi cho rằng, hiện có cả yếu tố không thuận và thuận đối dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam. Mặc dù Nhật Bản phải chịu thảm hoạ, đồng yên Nhật vẫn rất mạnh. Nhìn chung, việc đồng yên mạnh sẽ mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đem tiền tới đầu tư ở các nước khác, trong đó có Việt Nam. Thứ hai, các công ty của Nhật Bản có một bài học từ thảm hoạ này, đó là quá tập trung sản xuất ở một nơi là rất rủi ro. Vì vậy, một số công ty ô tô có khả năng sẽ phân tán sản xuất ra các nước khác, thay vì tập trung ở Nhật Bản.
Các công ty mẹ ở Nhật Bản gặp khó khăn sẽ thận trọng hơn trong việc đầu tư cho các công ty con ở nước ngoài. Hơn thế, cơ hội cho các công ty Nhật Bản tham gia quá trình tái thiết đất nước có thể sẽ làm giảm mối quan tâm đầu tư ra nước ngoài. Nếu nhìn ở các góc độ trên, tác động sẽ ra sao, thưa ngài?
Đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu sự tàn phá từ thảm hoạ, tôi nghĩ, đây là thời điểm họ có thể làm lại từ đầu trên mảnh đất quê hương, cũng như có thể triển khai công việc đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài.