Khám phá

Cà Mau – Những giá trị di sản văn hóa

Cà Mau, vùng đất trẻ nơi phương Nam với hơn 300 năm khai hoang mở đất và truyền thống cách mạng vẻ vang đi cùng hai cuộc trường chinh lớn của dân tộc: đánh Pháp và Mỹ, đã hình thành nên hệ thống di tích lịch sử văn hóa, chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc của đất và người nơi đây.

Cà Mau có 6 di tích lịch sử cấp quốc gia (Hòn Đá Bạc, Hòn Khoai, Biệt khu Hải Yến-Bình Hưng, Hồng Anh Thư Quán, Đình Tân Hưng, Quan âm cổ tự cùng 10 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh: Căn cứ Tỉnh ủy (Lung Lá Nhà Thể – Cái Nước); Căn cứ Tỉnh ủy (Xẻo Đước – Phú Tân); địa điểm trận chiến thắng Chà Là – Đầm Dơi; Đình thần Thới Bình, chùa Cao Dân, Tòa thánh Ngọc Sắc – Thới Bình; Phủ thờ Bác ở thị trấn Cái Nước; Phủ thờ Bác ở xã Trí Lực – Thới Bình; Phủ thờ Bác ở Viên An – Ngọc Hiển và Nhà Dây Thép – TP.Cà Mau. Đây là những địa chỉ đỏ trong việc tuyên truyền về văn hóa lịch sử tỉnh nhà, là nơi để du khách tìm hiểu về truyền thống của Cà Mau anh hùng.
ĐỊA DANH GHI DẤU CÁCH MẠNG
Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm, Cà Mau được biết đến là vùng đất kiên gan, anh hùng cuối trời cực Nam Tổ quốc với nhiều cuộc khởi nghĩa lớn. Tại Hòn Khoai năm 1940, thầy giáo Phan Ngọc Hiển đã phất cờ khởi nghĩa, cùng nhân dân ta đánh chiếm Hòn Khoai từ tay giặc Pháp. Cuộc khởi nghĩa xứng đáng là một điểm son trong trang sử vàng của dân tộc.
Thăm ngôi nhà Hồng Anh Thư Quán (TP.Cà Mau) được xây dựng đầu thế kỷ 20, du khách sẽ hiểu thêm về sự ra đời của Chi hội Việt Nam thanh niên thị trấn Cà Mau, với nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục ý thức cách mạng trong mọi tầng lớp nhân dân. Song song đó, Chi hội còn mở hiệu sách và quán cơm, làm cơ sở hoạt động cách mạng, gây ảnh hưởng sâu rộng trong dân. Từ đó nhiều cuộc đấu tranh cách mạng liên tiếp nổ ra, là hạt nhân cho sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản ở Bạc Liêu.
Nhà Dây Thép (P2, TP.Cà Mau), trước đây là Bưu điện do Pháp xây dựng để phục vụ việc thông tin nội bộ, các chiến sĩ cách mạng đã lợi dụng để làm điểm liên lạc. Nơi đây là đầu mối liên lạc giữa cơ sở đảng Cà Mau và Xứ ủy Nam Kỳ, là điểm xuất phát đầu tiên của ngành Công nghệ thông tin tỉnh nhà.
 Với địa hình thuận lợi cho việc che chở nhân dân và nuôi giấu cán bộ, Khu căn cứ Xẻo Đước và Khu căn cứ Lung lá Nhà Thể là những nơi có nhiều phong trào cách mạng sôi nổi. Trong những năm chiến tranh gian khổ, đồng bào nơi đây đã hết lòng đùm bọc, bí mật chở che cho cách mạng hoạt động thuận lợi…
Tham quan Biệt khu Hải Yến – Bình Hưng (Tân Hải-Phú Tân), khu chứng tích tội ác chiến tranh chống Mỹ cứu nước do Nguyễn Lạc Hóa cầm đầu dưới sự bảo trợ của chính quyền Mỹ – Diệm. Biệt khu dùng để giam giữ, tra tấn, thủ tiêu những chiến sĩ cách mạng và người dân vô tội… Khu di tích là nơi giáo dục lòng căm thù giặc sâu sắc cho thế hệ trẻ và là bài học về cái thiện-cái ác trên đời…
 Tại Hòn Đá Bạc, từ 1981-1984, Công an Nhân dân Việt Nam đã thực hiện thành công kế hoạch phản gián CM12, đấu tranh với tổ chức phản động do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Thắng lợi của kế hoạch phản gián CM12 là bài học đầy ý nghĩa của lòng dũng cảm và sự hợp tác chiến đấu của lực lượng Công an và Quân đội ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.
TẤM LÒNG CÀ MAU VỚI BÁC HỒ
 Ngay sau khi hay tin Bác mất, với lòng tiếc thương vô hạn, người dân Cà Mau ở nhiều địa phương lập nơi thờ tự Bác bằng cây lá đơn sơ nhưng thắm tình. Trong gian khó của chiến tranh, người dân Cà Mau vẫn quyết một lòng thờ tự, để Bác luôn bên mình, soi rọi trong từng hành động cách mạng. Toàn tỉnh có 22 địa phương lập phủ thờ Bác, trong đó có phủ thờ Bác tại: Rừng đước xã Viên An – Ngọc Hiển, thị trấn Cái Nước, Trí Lực, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Tại xã Trí Phải, má Sảnh và bà con đã gởi theo đoàn tập kết ra Bắc dâng tặng Bác Hồ cây vú sữa miền Nam. Cây vú sữa được trồng bên nhà sàn Bác vẫn xanh tươi như minh chứng cho tấm lòng của những người con Cà Mau đối với Bác. Năm 1990, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã chiết cây vú sữa đó gởi tặng lại cho nhân dân Cà Mau trồng trên quê hương Trí Lực ngày nay.
CHỐN TÂM LINH
Những di tích đình, chùa, thánh thất của tỉnh là nơi thanh tịnh nuôi dưỡng những tâm hồn sống tốt đời đẹp đạo. Chính những nơi này xưa kia luôn sẵn sàng nuôi chứa, bảo vệ những người tham gia kháng chiến, là cơ sở cách mạng vững chắc trong thời chiến tranh ác liệt, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước. Trong đó phải kể đến Sắc tứ Quan âm cổ tự (chùa Phật tổ – TP.Cà Mau), là một công trình hiếm hoi vẫn giữ được nét cổ xưa từ thời khai hoang, mở đất. Chùa do thầy lang Tô Quang Xuân sáng lập, qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, hiện chùa có lối kiến trúc độc đáo tinh tế, là chốn lý tưởng để du khách có thể tĩnh tâm, lắng đọng.
Du khách có thể đến thăm chùa Cao Dân, một trong những điểm sinh hoạt cộng đồng tín ngưỡng Phật giáo Nam tông Khmer; nghe chuyện kể về cố Đại đức Hữu Nhem – Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, trụ trì chùa Cao Dân, ông đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngôi chùa còn là biểu tượng của lòng yêu nước và tình đoàn kết, gắn bó các dân tộc… Đình Tân Hưng là di tích cách mạng được xây dựng năm 1907. Ngay từ năm 1930, các chiến sĩ ta đã treo cờ búa liềm trên ngọn cây dương trước đình. Đình còn là nơi hội họp, mít tinh trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám và những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp; là cõi tâm linh, nơi người dân luôn thành kính tưởng nhớ đến những người có công với nước. Hay du khách có thể đến Đình thần Thới Bình trong dịp lễ Kỳ yên, đến Tòa thánh Ngọc Sắc để cùng tự hào với những hy sinh thầm lặng của thế hệ cha anh ở Xóm Sở…
Tất cả những di tích lịch sử ấy đã ghi dấu một thời oai hùng của cán bộ và nhân dân Cà Mau quyết tâm chống giặc giữ nước, là địa chỉ giáo dục truyền thống con cháu mai sau.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2025 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status