Bồn bồn còn có tên là Thủy hương (thủy: nước; hương: cây nhang) vì hoa trông giống hình cây nhang cắm ở dưới nước. Tên khoa học của bồn bồn là Typha angustifolia, thuộc họ Typhaceae. Bồn bồn thường mọc hoang ở vùng đất thấp, có nhiều phèn mặn thuộc họ lau sậy, mọc trên nước, rễ thả nổi như rau muống, lá dài giống sả, có khả năng chịu ngập sâu đến 1m.
Mùa hái bồn bồn bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11 (mùa nước nổi). Đi hái bồn bồn chỉ cần cầm ngọn lôi ra, tước phần lá ở ngoài, bẻ lõi màu trắng bên trong thế là có phần bồn bồn ngon lành sẵn sàng để chế biến thành nhiều món ngon. Cây cỏ hoang dại này một thời gian làm vướng bước chân của những người mở đất, bởi nó cùng với cỏ năn mọc… cạnh tranh với cây lúa nước. Muốn có diện tích trồng lúa, những người xuôi phương Nam về vùng tận cùng của tổ quốc phải phá bỏ bồn bôn, cỏ năn để trồng lúa. Đây là loại cây có nhiều nhất là ở Cà Mau, Bạc Liêu… Những năm gần đây, cây bồn bồn được người dân miền Tây trồng nhiều để làm dưa hay bán tươi nên dần trở thành một đặc sản nổi tiếng và là loại cây “xóa đói giảm nghèo” của các địa phương này.
Ngoài việc làm dưa chua, phần tươi non của cây bồn bồn (thân, lá, gốc) được chế biến thành nhiều món ăn dân dã rất ngon như: xào tôm thịt, nấu canh chua, nấu lẩu chua, làm gỏi, nấu canh dừa…
“Gió đẩy gió đưa bông bồn bồn rụng trắng / Thương em một đời dải nắng dầm mưa” Đó là một câu hát giao duyên mộc mạc của Đất Mũi Cà Mau, cây bồn bồn cũng mộc mạc như vậy.
Sau đây là một số món ăn từ bồn bồn:
1. Dưa chua bồn bồn
Độc đáo nhất là món dưa chua bồn bồn. Không những được thưởng thức tại chỗ, món dưa chua bồn bồn còn theo chân du khách về làm quà người thân trên khắp mọi miền đất nước. Dưa chua bồn bồn làm khá đơn giản nhưng lại rất ngon. Trước hết phải chọn phần non trắng của bồn bồn, dùng dao nhọn bén chẻ làm hai hoặc tư tùy độ lớn của ruột bồn bồn. Sắp bồn bồn vào hũ, pha muối và đường vào nước vo gạo. Sau đó, đổ hỗn hợp này ngập kín bồn bồn rồi đậy chặt hũ lại, khoảng vài ngày là ăn được.
Dưa bồn bồn có thể biến tấu thành những món ăn với cơm nóng không chê vào đâu được. Chỉ cần khử ít dầu cho dưa bồn bồn vào xào, nêm gia vị vừa ăn là được. Khác với cá kho măng, cá kho chuối, cá kho dưa bồn bồn có vị bùi, ngọt, nấu càng kỹ vị chua của dưa sẽ mất dần, thịt cá không tanh, mềm mà không nát. Đặc biệt kho cùng tép tạo nên một hương thơm riêng biệt và một sự hài hòa về màu sắc. Không hề có vị gắt, bồn bồn vừa chua chua, vừa ngậy ngậy, bùi bùi.
2. Bồn bồn nấu canh dừa
Bồn bồn lựa phần non trắng rửa sạch. Phần gốc cắt khúc chẻ đôi, phần thân và lá cắt khúc vừa đũa gắp. Vắt một chén nước cốt dừa để sẵn. Cho phần gốc bồn bồn vào nồi. Lược lấy nước dừa dão cho vào ngập xâm xấp bồn bồn, nấu sôi vừa chín tới (dùng nước dão vừa đủ, nhiều quá sẽ mất ngon!). Kế đến, cho phần thân, lá bồn bồn vào, nấu chín. Tắt lửa, nêm nếm cho vừa khẩu vị. Sau cùng, đổ nước cốt dừa đậm đặc vào, đảo đều, nhắc xuống. Thế là xong!
Bữa ăn đã sẵn sàng. Cơm nóng bới ra chén. Gắp một miếng bồn bồn nấu canh dừa nhai chậm rãi, sau đó húp một muỗng canh… Vị ngọt, béo của nước cốt dừa hòa lẫn vị giòn tan của bồn bồn… thật là “đưa cơm”. Ăn món canh này với các món mặn như: tép rang, cá kèo kho tộ, hay ba khía trộn chanh, tỏi ớt nữa thì thật đậm đà!
3. Bồn bồn nấu canh chua
Bồn bồn còn được dùng để nấu canh chua. Vị chua của bồn bồn vốn đã thơm ngon lại càng thơm ngon và ngọt khi nấu với cá ngác, cá rô.
Đã từng ăn canh chua cá bông lau, cá ba sa, cá dứa nấu với me tươi hoặc me muối, ta đã không thể không buột miệng khen ngon. Thì khi các loại cá này được nấu với bồn bồn, dứt khoát nồi canh chua đó sẽ trở thành “nỗi nhớ” mãi mãi cho những ai đã từng “lỡ” một lần ăn!
4. Bồn bồn chua xào tôm, thịt
Tôm sú bóc vỏ, chừa lại vỏ đuôi, ướp với ít nước mắm
Thịt ba rọi rửa sạch, thái lát vừa ăn, ướp với ít đường
Bồn bồn ngâm chua rửa sạch, bỏ bớt phần cọng già, thái khúc vừa ăn. Hành lá rửa sạch, thái khúc
Đun nóng dầu ăn, phi thơm tỏi băm, cho thịt ba rọi vào xào săn, trút tôm vào xào cho tôm vừa đổi màu, cho bồn bồn ngâm chua vào đảo đều, nêm hạt nêm, nước mắm, đường cho vừa ăn, xào thêm 3 phút cho thấm, trút hành lá vào đảo đều, tắt lửa
Dọn ra đĩa, dùng kèm với cơm.
5. Bồn bồn làm gỏi