Tin tức

Vướng mắc trong xử lý doanh nghiệp FDI vắng chủ

Do thiếu các căn cứ pháp lý và e ngại trường hợp một số nhà đầu tư nước ngoài (FDI) có thể khởi kiện ở quốc tế khi bị thu hồi dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đang vướng mắc về việc xử lý doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vắng chủ, thậm chí đã bỏ trốn khỏi Việt Nam.

Dự án Tricons Towers, chủ đầu tư người Việt quốc tịch nước ngoài bị tố đã bỏ trốn – Ảnh: LN

Theo thông tin từ Bộ KH-ĐT, đến hết 31-5-2013, hiện có 518 doanh nghiệp FDI vắng chủ với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 903 triệu đô la Mỹ, chủ yếu ở các địa phương như TPHCM, Hải Phòng…

Sở dĩ gọi các doanh nghiệp này là “vắng chủ” vì đây là các dự án mà chủ đầu tư không còn hoạt động tại trụ sở đăng ký, chủ đầu tư bỏ về nước hoặc không thể liên lạc được. Thậm chí có trường hợp đã bỏ trốn khỏi Việt Nam.

Các doanh nghiệp này chủ yếu tập trung trong lĩnh vực dịch vụ như quản lý doanh nghiệp, xây dựng, bất động sản, thương mại, phần mềm…Số còn lại là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất. Phần lớn các doanh nghiệp này do nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc thực hiện, có quy mô nhỏ (vốn đăng ký dưới 500.000 đô la Mỹ) và thuê lại nhà xưởng của các nhà đầu tư khác mà không có hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản.

Bộ KH-ĐT nhận định rằng nguyên nhân chính là nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không trả được nợ, không trả lương cho người lao động và không đóng góp cho ngân sách nên phải đóng cửa, ngừng kinh doanh. Mặt khác, có phần do thủ tục chấm dứt hoạt động, thanh lý, giải thể doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam còn phức tạp, mất thời gian và tốn chi phí nên nhiều nhà đầu tư tự bỏ về nước, không thực hiện các thủ tục để chấm dứt hoạt động doanh nghiệp.

Mặt khác cũng xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thiếu lành mạnh, nhằm mục đích trục lợi để huy động vốn nên đã bỏ về nước sau khi đạt được mục đích.

Hiện trạng các doanh nghiệp như vậy đã gây ra nhiều hậu quả xã hội song việc giải quyết thế nào với số doanh nghiệp này cũng đang là vấn đề lớn đối với Bộ KH-ĐT do thiếu các cơ sở pháp lý.

Đầu tiên là pháp luật hiện hành chưa co quy định về thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với doanh nghiệp FDI vắng chủ do Luật Đầu tư chỉ quy định việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư khi dự án chậm tiến độ hoặc dự án không thực hiện. Việc thu hồi giấy khi nhà đầu tư bỏ về nước có thể sẽ bị khiếu kiện về căn cứ pháp lý để ra quyết định.

Mặt khác muốn giải thể, thanh lý doanh nghiệp thì theo luật, doanh nghiệp chỉ được giải thể khi đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ khác. Song các doanh nghiệp FDI vắng chủ là các doanh nghiệp đã triển khai hoạt động, đã phát sinh các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Hơn nữa, theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp tự thực hiện việc giài thể, thanh lý. Các cơ quan quản lý địa phương không được làm việc này khi không có chủ sở hữu doanh nghiệp.

Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho nhà đầu tư FDI đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nên việc cơ quan nhà nước thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đồng thời cũng thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nếu thu hồi, doanh nghiệp cũng không còn tư cách pháp lý để thực hiện thủ tục thanh lý dự án, giải thể doanh nghiệp.

Việc xử lý tài sản, công nợ còn vướng mắc hơn. Ví dụ tranh chấp giữa chủ nợ và người lao động phải thực hiện tại tòa án. Thực tế các chủ nợ và người lao động lại thường đưa nhau đến cơ quan quản lý dù cơ quan này không thể đứng ra quyết định việc khiếu kiện. Trường hợp giải quyết tại tòa thì theo Luật Phá sản phải có đại diện hợp pháp của doanh nghiệp mới được tnanh lý tài sản của doanh nghiệp để thu hồi nợ. Các doanh nghiệp vắng chủ thường không có đại diện để giải quyết.

Nhiều tòa án cũng không thụ lý hồ sơ phá sản doanh nghiệp vì việc thụ lý này phải trên cơ sở có báo cáo tài chính đã được kiểm toán hợp lệ. Số các doanh nghiệp đã vắng chủ, làm ăn thua lỗ nhiều năm thường không có được báo cáo này nên khó giải quyết.

Để đảm bảo giải quyết được hậu quả tình trạng vắng chủ tại doanh nghiệp FDI và tránh bị khởi kiện quốc tế, bộ đề xuất việc tích cực liên lạc với các chủ đầu tư. Trường hợp không liên lạc được vẫn phải lưu giữ bằng chứng về việc cố gắng liên lac với họ bằng các kênh khác nhau, kể cả kênh ngoại giao và tòa án.

Bộ KH-ĐT cho rằng, việc sửa đổi Luật Đầu tư và nghị định hướng dẫn để bổ sung quy định cơ quan hành chính nhà nước đứng ra thanh lý tài sản của doanh nghiệp vắng chủ nhằm giải quyết hậu quả, xử lý các nghĩa vụ tài chính thì sẽ đảm bảo giải quyết tổng thể các vấn đề nói trên. Song  phương án này cũng khó khả thi vì cơ quan hành chính không có chức năng hay bộ máy và nhân lực để làm việc này. Tài sản của nhà đầu tư mà cơ quan hành chính thanh lý sẽ dễ vi phạm quyền sở hữu tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự và trái với nhiều bộ luật khác.

Do vậy biện pháp dung hòa trước mắt có thể bộ sẽ bổ sung quy định về đảm bảo thực hiện dự án thông qua hình thức ký quỹ, đặt cọc với các dự án thuê đất từ nhà nước do nhà nước giải phóng mặt bằng hoặc các dự án gây tác động lớn đến đời sống xã hội.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status