Tin tức

Hải Phòng phấn đấu thu hút trên 1 tỷ USD vốn FDI

Thời gian vừa qua, Hải Phòng rất thành công trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Phóng viên Báo Đầu tư trao đổi với ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng về hoạt động này của địa phương.

Ông có thể khái quát tình hình phát triển kinh tế của Hải Phòng thời gian gần đây?

 

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động chung của kinh tế thế giới và trong nước, nhưng Hải Phòng vẫn thu được những kết quả quan trọng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao và cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội. Cụ thể, năm 2011, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 11,03% (gấp 1,8 lần so với bình quân chung của cả nước), cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (nông lâm thuỷ sản – công nghiệp, xây dựng – dịch vụ chiếm tương ứng 9,38%, 37,04% và 53,13%). Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Thành phố cả năm đạt 2,3 tỷ USD; thu hút trên 4,2 triệu lượt khách du lịch; sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 43,55 triệu tấn; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 35.000 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm trước.

 

Đặc biệt, năm 2011 là năm rất thành công trong thu hút vốn FDI, với tổng vốn thu hút đạt 960 triệu USD (có 30 dự án cấp mới và 30 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn), gấp 7 lần so với năm 2010, đạt 192,2% kế hoạch năm. Hải Phòng được đánh giá là điểm sáng về thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, đóng góp vào sự tăng trưởng của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

 

Về đầu tư trong nước, có 23 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 38 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 3.500 tỷ đồng.

 

Có thể thấy, thu hút FDI vào Hải Phòng năm qua khá ấn tượng. Ông có nhận định gì về hoạt động này?

 

Hải Phòng là một trong số ít địa phương đi đầu và sớm đón nhận nguồn vốn FDI. Hải Phòng đã xác định rõ lợi thế so sánh, coi phát triển kinh tế đối ngoại là động lực, là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Từ năm 1988 đến năm 2006, Hải Phòng thu hút 284 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư mới và vốn tăng thêm đạt gần 2,8 tỷ USD, trong đó có nhiều dự án lớn, như Thép VSC – Posco, Vinausteel, Khu công nghiệp Nomura, Cáp điện LS – Vina…

 

Năm 2007, khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), vốn FDI vào Hải Phòng đã có sự tăng trưởng đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Tính đến hết tháng 4/2012, trên địa bàn Hải Phòng có 325 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 6,1 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 43,65% vốn đăng ký, cao hơn so với mức bình quân của cả nước.

 

Hải Phòng thu hút vốn đầu tư đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Nhật Bản đang đứng vị trí thứ nhất về số dự án và số vốn đầu tư (85 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 2,4 tỷ USD), Hàn Quốc đứng thứ tư về số dự án (37 dự án) và đứng thứ hai về vốn đầu tư (1,056 tỷ USD). Tổng vốn FDI đăng ký trong 5 năm qua bằng 1,5 lần tổng vốn FDI thu hút được của tất cả các năm trước đó cộng lại. Thu hút vốn FDI những năm gần đây đã chuyển dịch theo hướng tăng về dịch vụ, thương mại, bất động sản; công nghiệp tập trung vào các dự án chế biến, chế tạo cơ khí, thân thiện với môi trường.

 

Chủ trương thu hút FDI trong thời gian tới của Hải Phòng là gì, thưa ông?

 

Thành phố vẫn xác định thu hút vốn FDI là một kênh quan trọng trong huy động nguồn lực về vốn, trình độ quản lý, công nghệ cho đầu tư phát triển. Chú trọng các tập đoàn lớn có tiềm lực về vốn, thị trường và công nghệ, ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có thế mạnh trong cạnh tranh quốc tế và sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên, thân thiện với môi trường.

 

Nhật Bản vẫn được coi là đối tác chiến lược trong thu hút đầu tư và là thị trường tiềm năng, nơi tập trung một số công nghệ nguồn, khoa học tiên tiến, đặc biệt trong ngành công nghiệp phụ trợ. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, mặt bằng, nhà xưởng và các dịch vụ, tiện ích đi kèm nhằm thu hút thành công dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản, tập trung vào một số tập đoàn lớn và các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ kèm theo. Phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và các cơ quan chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đẩy nhanh việc xác định địa điểm và xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhật Bản; phối hợp với Tổ Công tác của Chính phủ nhằm nghiên cứu, đề xuất các chính sách để phát triển và tập trung thu hút đầu tư của Nhật Bản.

 

Năm 2012, những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới vẫn tác động đến kinh tế Việt Nam, nên Hải Phòng xác định tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, đổi mới cách thức tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, chỉ tiêu thu hút vốn FDI phấn đấu đạt trên 1 tỷ USD.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status