Tôm là mặt hàng nổi bật nhất được trưng bày tại Triển lãm Công nghệ và Thủy sản Quốc tế Nhật Bản lần thứ 13 diễn ra từ 27 tới 29/7/2011 tại Tokyo Big Sight.
Các quầy của Việt Nam, Thái Lan, Malaixia, Ấn Độ và Trung Quốc đều trưng bày tôm, nhưng Inđônêxia – một trong những nhà cung cấp chính lại vắng mặt. Năm nay mỗi nước áp dụng chiến thuật cạnh tranh khác nhau.
Murkhalis Mokhter, giám đốc công ty nuôi trồng thủy sản liên kết của Malaixia Amban Wibawa Sdn Bhd., cho biết công ty này luôn là nhà xuất khẩu rôphi hàng đầu và mới tham gia nuôi tôm chân trắng. Địa điểm nuôi trồng cách xa các hoạt động khác để tránh bệnh tật lây lan.
Công ty Camimex cũng như các công ty khác của Việt Nam đều bị Nhật Bản kiểm tra 100% để phát hiện trifluralin từ tháng 11/2010 và enrofloxacin từ tháng 6/2011 sau khi phát hiện dư lượng vượt quá mức cho phép trong tôm Việt Nam.
Panita Boonyanandha của Hiệp hội Thực phẩm Đông lạnh Thái Lan cho biết tôm chân trắng chiếm 80% sản lượng tôm Thái Lan do tôm sú khó nuôi hơn. Quầy của Thái Lan chỉ giới thiệu sản phẩm bao bột duy nhất là tôm chân trắng để đuôi. Bà cho biết Thái Lan cung cấp ít sản phẩm chế biến hơn so với Việt Nam vì không có nhiều cơ sở chế biến, nhưng bà hy vọng nước này sẽ chú trọng vào các sản phẩm chế biến trong thời gian tới vì lợi nhuận cao hơn và không thể cạnh tranh với tôm nguyên liệu của Trung Quốc.
Quầy của Ấn Độ cung cấp cả tôm sú lẫn tôm chân trắng nhưng nổi bật ở tôm chân trắng cỡ lớn, như 16/20 và 21/30.
Các nhà triển lãm Trung Quốc có nhiều sản phẩm tôm cùng với các mặt hàng thủy sản khác. Trung Quốc đã trỗi dậy như một nhà sản xuất tôm chân trắng lớn, đồng thời thị trường này cũng tiêu thụ nhiều tôm do chính họ sản xuất. Theo dự báo của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), trong Q1/2011, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã giảm tỷ trọng xuất khẩu để tập trung vào thị trường nội địa.