Tin tức

Nắn dòng FDI vào sản xuất

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2011 sẽ được ưu tiên dẫn hướng vào các lĩnh vực sản xuất hơn là các lĩnh vực dịch vụ, thương mại.

Thông tin trên được ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định trong buổi họp báo về đầu tư nước ngoài năm 2010 và dự báo năm 2011 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuối tuần trước.

Cùng với đó, quan điểm siết chặt các siêu dự án cũng được đề cập. Theo đó, các dự án đầu tư quy mô lớn, đặc biệt là các dự án có sử dụng đất lớn, có khả năng gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản nếu không có chế biến sâu, các dự án tiêu tốn nhiều năng lượng… sẽ được xem xét kỹ càng, chặt chẽ, đảm bảo sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước, cũng như phát triển bền vững. “Nếu các dự án này không đảm bảo yêu cầu về phát triển, thì sẽ không cấp giấy chứng nhận đầu tư”, ông Đông nói và cho biết, việc xem xét các dự án quy mô lớn sẽ gắn kết với năng lực và tầm ảnh hưởng của đối tác cụ thể.

 

Trao đổi với báo giới, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, định hướng ưu tiên thu hút đầu tư năm 2011 buộc hoạt động xúc tiến đầu tư phải đổi mới. “Công tác xúc tiến đầu tư sẽ được thực hiện theo chuyên đề, theo ngành, lĩnh vực và vùng miền. Hoạt động xúc tiến đầu tư theo địa giới hành chính sẽ không được thực hiện nhằm đảm bảo tính liên kết vùng miền, tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh của vùng miền, giảm thiểu đầu tư theo phong trào, đầu tư theo thành tích”, ông Hoàng phân tích.

 

Dự kiến, trong tháng 2/2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chính sách thu hút FDI vào lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản với các địa chỉ, mức thuế ưu đãi cụ thể. Một chính sách tương tự cũng sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Công thương thực hiện đối với các ngành công nghiệp phụ trợ.

 

Cùng với đó, thông tin về việc kiểm soát chặt chẽ các dự án chậm triển khai cũng được công khai. Ông Hoàng cho biết, các dự án này sẽ được phân loại để có biện pháp xử lý phù hợp, trong đó có thể xem xét rút giấy chứng nhận đầu tư với các dự án không đủ điều kiện triển khai tiếp, để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tiềm năng và có năng lực tham gia đầu tư.

 

Đặc biệt, khi được hỏi về tình trạng một số dự án FDI giảm vốn, chuyển dịch đầu tư, ông Đông cho rằng, sự chuyển dịch này là tích cực. “Các dự án FDI dựa trên các yếu tố giá nhân công rẻ đang có xu hướng chuyển sang các quốc gia khác khi Việt Nam không còn khai thác lợi thế này. Thay vào đó, sự có mặt của Samsung Vina, Intel… với quy mô và trình độ công nghệ cao chứng tỏ xu thế chuyển dịch vào mong muốn công nghệ cao của Việt Nam là hiện thực”, ông Đông nhận định và cho biết, mục tiêu của Việt Nam là thu hút các dự án gắn với các tập đoàn có hoạt động toàn cầu để đưa Việt Nam tham gia nhanh vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động sản xuất của Việt Nam.

 

Như vậy, con số dự báo 11 – 11,5 tỷ USD giải ngân trong năm 2011 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra đang được dẫn hướng vào các lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao, hiệu quả trên cùng một diện tích đất ngày càng hạn hẹp. Với những ưu tiên và các giải pháp mới, dòng FDI năm 2011 chắc chắn sẽ có những diện mạo mới.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status