Chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm cấp Nhà nước tới Indonesia của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tạo thêm xung lực mới cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với hai quốc gia này, nhất là trong lĩnh vực đầu tư.
Tập đoàn Amata (Thái Lan), sau gần 20 năm rất thành công với việc đầu tư KCN Amata ở Đồng Nai, mới đây đã lên kế hoạch liên doanh với Tập đoàn Tuần Châu để xây dựng Tổ hợp Khu đô thị công nghiệp, công nghệ cao tại tỉnh Quảng Ninh.
Doanh nghiệp Thái Lan, Indonesia quan tâm đến Việt Nam một phần vì Việt Nam thu hút nhiều dự án lớn của nhà đầu tư quốc tế. (Ảnh: S.T)
Dự án dự kiến có tổng vốn đầu tư 1,5 – 2 tỷ USD, được xây dựng trên diện tích khoảng 16.000 ha, mà theo bà Panichewa, Tổng giám đốc Điều hành Amata, thì liên doanh sẽ nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục đầu tư để Dự án được khởi công trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, cuối tháng 4/2013, Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan, đã nhận giấy chứng nhận đầu tư để triển khai dự án 240 triệu USD tại KCN Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), chính thức hoàn tất thương vụ mua 85% cổ phần của Công ty cổ phần Prime Group (Việt Nam).
Tập đoàn này cũng đang quyết tâm cùng các đối tác khác theo đuổi Dự án Lọc dầu Long Sơn, 4,5 tỷ USD ở Bà Rịa – Vũng Tàu.
Một dự án đình đám khác, với tổng vốn đầu tư lên tới 27 tỷ USD là Dự án Lọc hóa dầu Bình Định, cũng đang được một tập đoàn khác của Thái Lan – Tập đoàn Dầu khí (PTT) lên kế hoạch đầu tư. Dù đang ở trong giai đoạn đề xuất, nhưng nếu dự án này được thông qua, thì một điều chắc chắn, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà các nhà đầu tư Thái Lan đổ vào Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng.
Hiện tại, tính đến ngày 20/6/2013, Thái Lan có 313 dự án đầu tư ở Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 6,38 tỷ USD, đứng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ở Việt Nam. Trong đó, riêng từ đầu năm tới nay, đã có 20 dự án, cả cấp mới và tăng thêm, với vốn đầu tư gần 312 triệu USD.
“Năm nay là thời điểm rất tốt để các nhà đầu tư Thái Lan bỏ vốn vào Việt Nam, vì nền kinh tế đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi”, ông Tharabodee Serng Adichaiwit, Tổng giám đốc Bangkok Bank tại Việt Nam, cách đây chưa lâu, đã chia sẻ trên tờ Bangkok Post như vậy.
Cũng theo ông này, nhiều công ty Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như khách sạn, bất động sản, sản xuất công nghiệp đang sẵn sàng bán cổ phần với giá tương đối rẻ và đây chính là cơ hội để các nhà công ty nước ngoài, trong đó có Thái Lan, đầu tư vào Việt Nam thông qua phương thức mua bán và sáp nhập (M&A).
Việc SCG mua Prime có thể coi là một ví dụ điển hình cho xu hướng này. Hay những thông tin mới đây về việc Tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) và Mongkol Group, thông qua Công ty liên doanh Thai Corporation International, mua lại chuỗi bán lẻ Family Mart tại Việt Nam cũng đã góp thêm một tiếng nói cho làn sóng M&A đang đổ vào Việt Nam.
“Các công ty Thái Lan quan tâm nhiều đến thị trường Việt Nam vì ở đây có các dự án lớn của các nhà đầu tư Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc. Lý do là vì, các doanh nghiệp Thái Lan thường hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ”, ông Chainarong Limpkittisin, Giám đốc Điều hành Reed Tradex phân tích.
Trong khi đó, khiêm tốn hơn so với các nhà đầu tư Thái Lan, lũy kế đến ngày 20/6/2013, các doanh nghiệp Indonesia mới đầu tư vào Việt Nam 35 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 285 triệu USD, đứng thứ 27 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhà đầu tư Indonesia có một dự án rất nổi tiếng, đó là Khu đô thị Ciputra (Hà Nội). Dự án này do Tập đoàn Ciputra liên doanh với Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC xây dựng ở khu vực Nam Thăng Long và trở thành một điểm nhấn ở khu vực này.