Tin tức

Xúc tiến đầu tư theo cụm ngành

Kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo cụm ngành (cluster) thay vì kêu gọi chung chung vào các khu công nghiệp là đề xuất của các chuyên gia Trung tâm nghiên cứu đầu tư nước ngoài – CFIS (Trường Đại học Kinh tế).

Trong Hội thảo “Xúc tiến đầu tư Việt Nam: Cơ hội và thách thức” do Trung tâm nghiên cứu đầu tư nước ngoài vừa tổ chức ngày 17/1/2010, ông Phan Hữu Thắng, Giám đốc CFIS, đặt vấn đề, phải chăng Việt Nam chưa có chiến lược thu hút vốn FDI cũng như chưa xác định khái niệm cụm ngành một cách chuẩn xác.

 

“Việt Nam hiện vẫn đang áp dụng cách thức kêu gọi khá chung chung vào các khu công nghiệp của mình. Ngay cả danh mục dự án quốc gia theo ngành phù hợp với quy hoạch cũng đã được xây dựng nhưng việc thực hiện theo danh mục không nhiều. Phải chăng sự chung chung này đang tạo nên những thất bại trong thu hút FDI của Việt Nam những năm qua”, ông Thắng nói.

 

Trên thực tế, các khu công nghiệp được sử dụng như một công cụ để chính quyền địa phương thu hút các nhà đầu tư theo hướng sẵn sàng về địa điểm, cơ sở hạ tầng và thủ tục hành chính đơn giản. Điều này có nghĩa là mục tiêu xây dựng và hình thành các khu công nghiệp để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như các dịch vụ liên quan  nhằm hình thành mối liên kết cụm ngành trong và xung quanh các khu công nghiệp gần như bị lơi lỏng.

 

Ngay tại các khu công nghiệp có xu hướng hình thành chuỗi công nghiệp phụ trợ thì lại phụ thuộc chính vào các doanh nghiệp FDI và chuỗi liên kết sẵn có của họ, mà Canon hay Foxconn là điển hình. Tuy nhiên, mối liên kết này ít khi vượt ra khỏi ranh giới các khu công nghiệp.

 

Tuy nhiên, mục tiêu kêu gọi FDI theo cụm ngành của Việt Nam, mặc dù được cho là hướng đi đúng, song lại đang đối mặt với khá nhiều thách thức.

 

Ông Stefan von Senger, Giám đốc Cục xúc tiến thương mại quốc tế bang Brandenburg (Đức), để tạo nên các cụm ngành, nguyên lý là cần tập trung hỗ trợ đầu tư nhiều hơn vào những vùng có thế mạnh chứ không phải là các vùng kém phát triển. “Với chiến lược tập trung vào vùng có thế mạnh, bang xây dựng các nhóm ngàng phù hợp và thực hiện hỗ trợ phát triển các dịch vụ đào tạo để đáp  ứng nguồn nhân lực phù hợp. 5 năm trước, chúng tôi đã thực hiện cuộc cách mạnh cải cách các lĩnh vực hỗ trợ và hiện tại, chúng tôi trở thành bang phát triển năng động nhất trong vòng 3 năm qua”, ông Stefan von Senger phân tích.

 

Nguyên lý này cũng được áp dụng trong kế hoạch hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp. Ông này cho biết, thay vì chỉ hỗ trợ tài chính doanh nghiệp nhỏ và vừa như trước đây, bang Brandenburg đã sẵn àng hỗ trợ kinh phí, tài chính cho tập đoàn lớn để thu hút dự án công nghệ của họ chứ không phải chỉ là thu hút các dự án sản xuất.

 

Hơn thế, ông Oliver Dombrowsky, Giám đốc Quỹ đầu tư Onestein cho rằng, chiến lược thu hút vốn theo cụm ngành sẽ phục vụ phát triển ngành công nghiệp theo quy hoạch, thế mạnh của từng vùng, địa phương, đi kèm phát triển dịch vụ công chứ không đơn thuận là hỗ trợ cho các doanh nghiệp đơn lẻ. “Các nguồn lực về tài chính, nhân lực hỗ trợ chiến lược này phải được duy trì trong thời gian tương đối dài để đảm bảo hình thành nhóm ngành nghề chiến lược. Theo quan điểm của tôi, các ngành này thường là hướng nội để đẩy mạnh thế mạnh, tiềm năng sẵn có của địa phương”, ông Oliver phân tích.

 

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, chiến lược thu hút vốn theo cụm ngành cũng không dễ thành công nếu không có được sự phối hợp của các địa phương trên nguyên tắc đảm bảo quy hoạch phát triển kinh tế chung của vùng, của cả nước ngay từ chiến lược quảng bá, thu hút đầu tư.

 
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status