Cụ thể hóa chiến lược, chuẩn bị tốt “nội lực”, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ từ các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài là cách làm hiệu quả trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Trong bối cảnh không còn ưu đãi đầu tư vào các khu công nghiệp, trong khi tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, các địa phương có tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao, như TP.HCM hay Bình Dương, buộc phải “tìm hướng đi riêng” trong việc xúc tiến, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ngoài “bảo bối” Trung tâm Thành phố mới (trên 1.000 ha), tỉnh cũng đang tập trung lấp đầy 40% diện tích còn lại của 24 khu công nghiệp (Bình Dương hiện có 24/28 khu công nghiệp đã đưa vào hoạt động).
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Becamex (chủ đầu tư Trung tâm Thành phố mới và một số khu công nghiệp lớn tại Bình Dương) cho biết, năm nay, Bình Dương vẫn nhắm đến các nhà đầu tư châu Á, chủ yếu là Nhật Bản và Hàn Quốc. Dự kiến, thời gian tới, Becamex sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương và các cơ quan đại diện của Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức gặp gỡ nhà đầu tư Hàn Quốc.
Liên quan đến câu chuyện thu hút nhà đầu tư, Đại sứ Việt Nam tại Singapore, ông Trần Hải Hậu cho rằng, điều quan trọng hiện nay của các thành phố công nghiệp là tập trung đào tạo nguồn nhân lực. Đây được xem là “vốn mồi” ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư. Lấy dẫn chứng từ trường hợp của Siemens, trong buổi gặp gỡ báo chí gần đây tại TP.HCM, dù đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam, nhưng ông Erdal Elver, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Siemens Việt Nam cho rằng, khó khăn chủ yếu của họ hiện nay là thiếu nguồn lực có tay nghề cao.
Xuất phát từ thực tế đó, Đại sứ Trần Hải Hậu đề xuất các địa phương nên khai thác lĩnh vực giáo dục từ phía nhà đầu tư Singapore, thay vì chỉ dừng lại ở các lĩnh vực hạ tầng, y tế.
Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao), Đại sứ Việt Nam tại Anh, ông Vũ Quang Minh nhận định, Bình Dương đang ở vị thế có thể chọn lựa được các dòng đầu tư. Anh cũng là một thị trường lớn, nhưng hiện mới có 7 dự án tại Bình Dương, do vậy, Bình Dương có thể làm việc trực tiếp với Cơ quan Xúc tiến đầu tư của Anh tại TP.HCM để tổ chức xúc tiến tại chỗ.
Tại TP.HCM, theo ông Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), năm nay, Thành phố không kêu gọi chung chung, mà sẽ giới thiệu cụ thể với nhà đầu tư nước ngoài về các khu công nghiệp còn trống tại địa phương. Ngoài ra, trước Tết Nguyên đán, ITPC cũng đã ký kết hợp tác với Công ty Điện tử Minh Trân (được sáng lập bởi ông Nguyễn Trí Dũng, từng là Phó chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Hợp tác Việt – Nhật) để thành lập một văn phòng xúc tiến tại Nhật Bản nhằm hỗ trợ nhu cầu cho nhà đầu tư Nhật Bản muốn tìm hiểu môi trường đầu tư của TP.HCM và ngược lại.