Tin tức

Xúc tiến đầu tư nước ngoài: Hướng vào thực chất

Chủ động trong xúc tiến đầu tư; cụ thể các danh mục đầu tư; chú trọng sử dụng ngôn ngữ bản địa trong tổ chức tài liệu xúc tiến; xác định rõ lợi thế nổi trội và trọng tâm thu hút đầu tư là 4 kinh nghiệm đem lại kết quả khả quan nhất trong triển khai công tác xúc tiến đầu tư.

Đó là những kinh nghiệm được các chuyên gia xúc tiến đầu tư (XTĐT) của Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ tại Hội nghị “Trao đổi kinh nghiệm xúc tiến đầu tư (XTĐT) với các cán bộ XTĐT tại cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài” do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa tổ chức tại tỉnh Bình Dương.

 

Việt Nam vẫn là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài

 

Đây là khẳng định của 10 cán bộ đại diện làm công tác XTĐT tại nước ngoài được ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài gọi một cách thân mật là “ăng ten”. Địa bàn làm việc của các “ăng ten” đều là các thị trường thu hút đầu tư trọng điểm của Việt Nam từ Hoa Kỳ; Nhật Bản; EU; Ả rập Xê út; Singapore; Hàn Quốc…

 

Theo ông Bùi Trọng Định,  Trợ lý chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc, riêng trong năm 2010, đã có 91 dự án với số vốn gần 2 tỷ USD được đầu tư vào Việt Nam, tuy vậy, có điều còn đáng mừng hơn số vốn đầu tư lớn đó là, các nhà đầu tư Đài Loan mà ông gặp đều có mong muốn “sống chết với Việt Nam”. “Nhiều nhà đầu tư Đài Loan vẫn tiếp tục đánh giá cao tiềm năng và Việt Nam vẫn là vị trí ưu tiên trong danh mục nhắm đến của họ”, ông Định khẳng định.

 

Tương tự, ông Lê Hữu Quang Huy, Tham tán kinh tế Trưởng bộ phận XTĐT tại Nhật Bản thông báo,  cam kết đầu tư và lòng tin của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam vẫn tăng một cách đều đặn theo các cam kết song phương.

 

Câu hỏi được đặt ra là, trọng tâm gì khi đẩy mạnh XTĐT vào Nhật Bản?

 

Câu trả lời của ông Huy thật rõ ràng: thứ nhất, thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng Việt Nam (về giao thông và năng lượng). Hiện nay, Tập đoàn Japan Power đang muốn đầu tư 2 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng chạy than và không khói tại Việt Nam. Họ đã đề xuất với Chính phủ hình thức tham gia là BOT và sẽ sẵn sàng tham gia đấu thầu. Thứ hai là lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Dự kiến vào tháng 3/2011 tới đây, Chủ tịch Liên đoàn Keidaren (giá trị sản lượng của doanh nghiệp vùng này chiếm 1% GDP toàn thế giới) sẽ vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này và tháng 6/2011, sẽ tổ chức hội nghị XTĐT cho doanh nghiệp vùng Kansai tại Việt Nam.

 

 

Làm gì để khơi thông dòng FDI?

 

Đây là trăn trở chung tại Hội nghị. Cụ thể, Nhật Bản hàng năm đầu tư ra bên ngoài 130 tỷ USD, nhưng đầu tư vào ASEAN chỉ chiếm 2,4%. Tại Hàn Quốc, trước thực trạng đồng won tăng giá, nên xu hướng đầu tư ra nước ngoài tăng mạnh, nhưng vẫn chưa tập trung nhiều vào Việt Nam…

 

Lý giải cho hiện tượng trên, theo ông Bùi Trọng Định có 3 vấn đề lớn.

 

Thứ nhất, sự thiếu nhất quán trong chính sách thu hút đầu tư của một số địa phương. Ông Định nói: “Trước đây, nhiều địa phương đã hứa rất nhiều về thủ tục một cửa một dấu và các ưu đãi… nhưng cũng thất hứa thật nhiều khi họ tìm đến”.

 

Chia sẻ quan điểm này, theo bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Tham tán đầu tư tại Hàn Quốc, hiện nay, chúng ta mới chỉ có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư chủ yếu là về thuế, còn trên thực tế, nhiều nhà đầu tư quan tâm các ưu đãi cụ thể cho đầu tư vào các lĩnh vực cụ thể như công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, dịch vụ… thì lại chưa có những ưu đãi này.

 

Khó khăn thứ hai là thiếu lao động. Nếu không giải quyết vấn đề nhân lực cho các dự án, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư sẽ bị  giảm đáng kể”, ông Định cho biết.

 

Bà Nguyễn Thị Minh Hiền thì cho rằng, từ khi Dự án Samsung triển khai, nhiều nhà đầu tư vệ tinh rất muốn đầu tư vào Việt Nam,  nhưng họ không tìm kiếm được lao động tương thích.

 

Thứ ba, tài liệu xúc tiến đầu tư thiếu, nếu các địa phương tổ chức tài liệu XTĐT và trả lời trực tiếp với nhà đầu tư bằng ngôn ngữ bản địa, giới thiệu các dự án đầu tư bằng những thông tin rõ ràng, thì sự thuận lợi của các nhà đầu tư sẽ chính là lợi thế của môi trường thu hút”. Cùng chung nhận định này, ông Lê Hữu Quang Huy cho biết, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản nhận xét, hầu hết tài liệu XTĐT không chú trọng trình bày trọng tâm một cách cụ thể, nên thiếu tính thuyết phục. Theo họ, các tài liệu này nên sắp xếp theo theo chuẩn UNTACD thì sẽ dễ dàng hơn trong triển khai.

 

 

Đẩy mạnh hợp tác!

 

Tại Hội nghị, các “ăng ten” và cơ quan XTĐT các địa phương cho rằng, cần đẩy mạnh hợp tác chặt chẽ giữa cán bộ XTĐT nước ngoài với cơ quan XTĐT của các địa phương để chỉ rõ những ưu thế của địa phương cần xúc tiến; chính sách ưu đãi cụ thể với các cam kết rõ ràng, đảm bảo thực thi tốt và tổ chức tài liệu xúc tiến đúng yêu cầu, triển khai thực hiện xúc tiến đúng địa điểm, là những nội dung được .

 

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài cho biết, có nhiều bất cập, chồng chéo trong hoạt động XTĐT. Có trường hợp 2 đoàn XTĐT từ các địa phương khác nhau tổ chức hội nghị  ở cùng một địa điểm, như vậy là không hiệu quả và lãng phí. Theo bà Vân, để đạt được hiệu quả tối đa trong công tác XTĐT, các Bộ, ngành địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn với đại diện xúc tiến đầu tư tại các địa bàn, để xây dựng kế hoạch xúc tiến cụ thể cho địa phương mình. “Vào thời điểm cuối năm, các địa phương cần gửi kế hoạch XTĐT cho Cục Đầu tư nước ngoài và các đại diện XTĐT để có thể chủ động trong khâu tổ chức và hợp tác với nhau xây dựng kế hoạch XTĐT”, bà Nguyễn Thị Bích Vân yêu cầu.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status