Tin tức

Xuất khẩu tôm sú sẽ tiếp tục giảm?

Năm 2011, XK tôm cả nước đạt trên 2,39 tỷ USD, trong đó tôm sú vẫn là mặt hàng XK chiến lược với giá trị XK đạt 1,43 tỷ USD. Giá trị XK tôm chân trắng mới chỉ đạt 704 triệu USD nhưng nếu nhìn lại tốc độ tăng trưởng XK 2 loại tôm này năm vừa qua và 3 tháng đầu năm 2012 sẽ thấy rõ sự chênh lệch lớn.

Phải chăng dịch bệnh đã và đang “hoành hành” trên diện tích nuôi tôm sú, đặc biệt là nuôi theo hình thức thâm canh, là tác nhân chính dẫn tới XK tôm sú giảm và sẽ tiếp tục giảm?

Năm 2011, giá trị XK tôm chân trắng tăng 69,9% so với năm 2010 trong khi giá trị XK tôm sú lại giảm 0,6%. Quý I/2012, thống kê cho thấy, giá trị XK tôm chân trắng tăng 54,2% trong khi giá trị XK tôm sú tiếp tục giảm 4,7%.

Sản xuất tôm Việt Nam năm vừa qua đã phải hứng chịu tổn thất lớn khi hơn 97.000 ha nuôi tôm bị dịch bệnh, trong đó trên 82.000 ha nuôi tôm sú bị thiệt hại. Sóc Trăng, vùng nuôi tôm công nghiệp lớn nhất cả nước, chịu thiệt hại nặng nhất với 25.000 ha “mất trắng”.

Ngay khi mới bước vào vụ nuôi năm 2012, tại nhiều tỉnh nuôi tôm lớn ở khu vực ĐBSCL đã có dấu hiệu tôm chết nhiều. Kịch bản năm 2011 có thể sẽ tái diễn lại trong năm 2012 và thậm chí nghiêm trọng hơn nếu như công tác quản lý tôm giống chưa được coi là yếu tố tiên quyết trong phát triển nghề nuôi tôm ở nước ta hiện nay.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản về tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi tại 7 tỉnh ĐBSCL, tính đến hết tháng 3/2012, có 11.996,7 ha nuôi tôm bị dịch bệnh, trong đó có 11.384,7 ha nuôi tôm sú. Diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh bị thiệt hại là 1.137 ha trên tổng số 9.425 ha. Như vậy, tình hình dịch bệnh trên tôm sú nuôi theo hình thức thâm canh đang cho thấy chiều hướng “như năm 2011”!.

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú hiện đang dẫn đầu cả nước về XK tôm với kim ngạch XK năm 2011 đạt 349 triệu USD, chiếm 14,5% tổng giá trị XK tôm của cả nước. Không phải “ngẫu nhiên” mà đại diện tập đoàn này cho rằng quản lý nhà nước về con giống là một trong hai yếu tố căn bản khiến tỷ lệ thành công trong nuôi tôm ở nước ta chỉ đạt xấp xỉ 30%, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 70%. Theo Minh Phú, quản lý nhà nước về con giống còn nhiều bất cập, chất lượng và dịch bệnh trong sản xuất tôm giống không được kiểm soát. Tình trạng “nhà nhà làm giống, người người làm giống”, bất chấp có đủ điều kiện sản xuất hay không, cùng với sự cạnh tranh khốc liệt dẫn tới chất lượng con giống rất kém, tôm nuôi không lớn và dễ bị dịch bệnh.

Qua đợt kiểm tra, giám sát giống thủy sản do Tổng cục Thủy sản phối hợp với Cục Thú y và một số cơ quan khác tiến hành giữa tháng 3 vừa qua cho thấy, tại tỉnh Khánh Hòa, một trong ba tỉnh sản xuất tôm giống lớn nhất miền Trung, chỉ có khoảng 1/2 trong tổng số 100 trại sản xuất giống được kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Chi cục Thú y các địa phương cũng thừa nhận công tác kiểm dịch rất khó do tôm giống nhập lậu nhiều, không kiểm soát được chất lượng làm tăng nguy cơ dịch bệnh tại các địa phương.

Cho đến bây giờ, nhiều chế tài quản lý như quy định về loại tôm xuất trại; quy định về giám sát đối với tôm bố mẹ hết thời hạn sử dụng; tăng cường công tác kiểm dịch (cắm chốt kiểm dịch, phối hợp kiểm tra liên ngành..); tăng cường thanh tra, kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống….vẫn còn là những đề xuất và kiến nghị!

Nếu như cơ quan quản lý nhà nước chưa thật nhanh chóng “vào cuộc”, dịch bệnh trên tôm nuôi biết đến bao giờ mới được giải quyết hiệu quả? Như vậy, sản xuất và XK tôm đến bao giờ mới có thể phát triển bền vững?
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status