(VOV) – Sự phục hồi phần nào của kinh tế thế giới đã có những tác động tích cực tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2010 tăng gần 21% so với năm 2009.
Xuất khẩu cán đích
Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu năm 2010 ước đạt 70,8 tỷ USD, tăng 24% so với năm 2009 và 17% so với kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu đã tăng trưởng mạnh sau năm 2009 có tốc độ tăng trưởng âm. Xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 33,6 tỷ USD, chiếm 47.45% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 39% so với năm 2009 trong đó xuất khẩu nhóm nông sản, thuỷ sảnước đạt 18,68 tỷ USD tăng 26,2% so với năm 2009. Lượng xuất khẩu các mặt hàng nông sản đều tăng so với cùng kỳ, trừ mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn (giảm 51,4%), hạt tiêu (giảm 10,4%), cà phê giảm nhẹ (2,6%). Giá bình quân của đa số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng cao so với năm 2009. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn (dệt may, giày dép, thủy sản…).
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết: “So với năm 2009, chúng ta có thêm 5 mặt hàng mới có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đó là hạt điều, xăng dầu các loại, sản phẩm chất dẻo, dây diện cáp điện và phương tiện vận tải, đưa tổng số mặt hàng có kim ngạch 1 tỷ USD trở lên là 18 mặt hàng”.
Theo phân tích của ông Lưu Quang Khánh (Vụ trưởng Vụ Kinh tế dịch vụ – Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2010, giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh so cùng kỳ là một nguyên nhân góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Riêng yếu tố tăng giá giúp kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 3,4 tỷ USD. Tuy nhiên, việc tăng về lượng mới là yếu tố chính giúp kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2009. Tính riêng yếu tố tăng lượng giúp cho kim ngạch xuất khẩu tăng 10,3 tỷ USD. Xét về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp, chế tạo đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2009, cụ thể là từ 58,2% lên 62,3%, trong khi nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm từ 15,9% xuống 11,3%.
“Như vậy, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã và đang có những chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp, chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần xuất khẩu hàng thô, có giá trị gia tăng thấp“ – ông Khánh nói.
Ngoài ra tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng dần, từ 42,3% trong cùng kỳ năm 2009 lên đến 47,5% và vẫn có xu hướng tăng trong những năm tới. Khu vực FDI tập trung vào xuất khẩu những mặt hàng chủ lực như dệt may, giầy dép, sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, máy móc phụ tùng… và tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong việc tạo giá trị xuất khẩu.
“Mặc dù kim ngạch xuất khẩu năm 2010 tăng 24% so với năm 2009 nhưng nếu tính đến yếu tố kim ngạch năm 2009 tăng trưởng âm (-8,9%), tốc độ tăng trưởng kim ngạch hai năm 2009 và 2010 đạt khoảng 15,1% và như vậy thực chất mỗi năm chỉ đạt 7,55%. Đây không phải là mức tăng trưởng xuất khẩu cao” – ông Khánh bình luận.
Ông Nguyễn Thành Biên cho biết thêm, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường chủ yếu đều duy trì hoặc tăng giảm không đáng kể so với năm 2009. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tiếp tục là Hoa Kỳ với tỷ trọng gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, xấp xỉ năm 2009; thị trường EU chiếm tỷ trọng 14,8%, giảm 1,2% so với năm 2009; thị trường Nhật Bản chiếm tỷ trọng gần 10,5%, tăng 0,25% so với năm 2009; thị trường Trung Quốc chiếm 9,1%%, tăng 0,5%, thị trường ASEAN chiếm tỷ trọng 12,3%, giảm 2,8%.
Nhập siêu được cải thiện
Năm 2010 hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục chứng kiến nhập siêu, tất cả các tháng đều nhập siêu, trong đó có 6 tháng nhập siêu trên 1 tỷ USD. Mức nhập siêu lớn nhất là tháng 2, đạt 1,33 tỷ USD và thấp nhất là tháng 8, đạt 395 triệu USD. Nhập siêu cả năm 2010 ước đạt 12 tỷ USD, bằng 16,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn so với mức 22,5% của năm 2009.
Theo ông Lưu Quang Khánh, điều này cho thấy, Chính phủ và các Bộ ngành đã quyết liệt hơn trong việc đề xướng và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế nhập siêu. Mặc dù vậy, về lâu dài nhập siêu sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cán cân thanh toán quốc tế chung của quốc gia.
Ông Lưu Quang Khánh phân tích rõ hơn về tình hình nhập siêu năm 2010, là do nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao (GDP tăng 7,6%) và đầu tư nước ngoài tăng mạnh dẫn đến nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Giá và lượng một số mặt hàng nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu chủ yếu tăng cao. Trong số 12,7 tỷ USD nhập khẩu tăng so với năm 2009 có 5,3 tỷ USD tăng do yếu tố giá bình quân tăng, 7,4 tỷ USD tăng do tăng về lượng nhập khẩu. Ngoài ra, do ảnh hưởng của việc cắt giảm thuế và nhu cầu tiêu dùng, sức mua trong nước tăng cao đối với hàng hoá nhập khẩu cũng đã góp phần làm tăng kim ngạch nhập khẩu.
Một nguyên nhân nữa theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang trong giai đoạn thực hiện CNH-HĐH, năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế, các mặt hàng nhập khẩu đa phần trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng với chất lượng chưa cao hoặc giá thành cao hơn hàng nhập khẩu, dẫn tới việc các doanh nghiệp thường lựa chọn phương án nhập khẩu. Công nghiệp sản xuất hàng phụ trợ cho hàng xuất khẩu còn thiếu và yếu, không đáp ứng được nhu cầu làm phát sinh nhu cầu lớn về nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất.
Theo ông Khánh, để hạn chế nhập siêu cần triển khai một loạt biện pháp về bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung – cầu các mặt hàng thiết yếu trên cơ sở nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo tình hình thị trường; đánh giá nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng và khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước để có biện pháp hạn chế cụ thể với từng mặt hàng.
Xuất khẩu năm 2011 ước đạt khoảng 78 tỷ USD
Ông Lưu Quang Khánh nhận định, hoạt động xuất – nhập khẩu năm 2011 sẽ tiếp tục gặp một số khó khăn, thách thức do xu thế toàn cầu hoá và hội nhập. Giá cả nguyên, nhiên, vật liệu trên thị trường thế giới dự báo sẽ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là mặt hàng dầu thô. Thiên tai và dịch bệnh sẽ tiếp tục là nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống.
Ông Quang Khánh cũng dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt khoảng 78 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2010, trong đó xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt khoảng 38tỷ USD, chiếm khoảng 48,7%tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 13 % so với năm 2010. Thủy sản dự kiến kim ngạch đạt khoảng 6 tỷ USD; lượng gạo xuất khẩu 6,5 triệu tấn; cà phê 1,1 triệu tấn, cao su 800.000 tấn…