6 tháng đầu năm nay, cả nước đã XK 42.859 tấn, trị giá trên 211 triệu USD, tăng 2,7% về khối lượng và 21,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức tăng về giá trị XK cao gấp 9 lần so với mức tăng về khối lượng chứng tỏ sản phẩm mực đã đạt được tiến bộ rất lớn về giá trị sản phẩm XK. Như vậy, lượng sản phẩm chế biến giá trị gia tăng đối với nhuyễn thể chân đầu đã tăng lên đáng kể.
Hiện nay, sản phẩm mực và bạch tuộc của Việt Nam được XK sang trên 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều thị trường mới đã được mở ra trong những tháng gần đây và ghi nhận sự tăng trưởng mạnh ở các thị trường như Nga, Đài Loan và Asean.
Trong 6 tháng đầu năm, các thị trường tiêu thụ chính sản phẩm mực và bạch tuộc của Việt Nam là Hàn Quốc, chiếm 35,9% tổng giá trị XK mực và bạch tuộc của cả nước, EU chiếm 24,6% và Nhật Bản chiếm 22%.
Trong số các thị trường đứng đầu, Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng cao nhất, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trái lại, thị trường Nhật đang mất dần vị trí hàng đầu trước đây và đang trên đà sụt giảm về khối lượng, trong khi giá trị nhập cũng chỉ tăng không đáng kể, với 0,9%. Trong khối EU, Italia là một thị trường tiêu thụ nhiều nhất sản phẩm mực và bạch tuộc của Việt Nam và đạt mức tăng trưởng rất cao với 40,3%. Trong khi đó Tây Ban Nha đã sụt giảm sâu về khối lượng (48%) và giá trị (33,1%) NK mực và bạch tuộc của nước ta.
Ngoài ba thị trường chính đã nêu, thị trường Nga thể hiện mức tăng NK nhảy vọt trong tháng 6, đưa tổng NK của 6 tháng đầu năm tăng 133,4% về khối lượng và 184,8% về giá trị và đây là thị trường đững đầu về tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn này.
Đứng đầu trong trong số 205 doanh nghiệp XK mức và bạch tuộc trong 6 tháng đầu năm có: Kisimex với trên 11,9 triệu USD, Thực phẩm Việt với 6,3 triệu USD, Havico với 5,6 triệu USD, Hải Nam với 4,16 triệu USD….
Dự đoán, XK mực và bạch tuộc của nước ta trong năm nay sẽ thuận lợi hơn, nhiều vùng miền Trung và cực Nam có sản lượng đánh bắt cao hơn năm ngoái vì vậy nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến khá hơn. Bên cạnh đó, hầu hết các thị trường tiêu thụ chính trên thế giới đều duy trì tốc độ NK cao hơn cùng kỳ năm ngoái.