Là trung tâm hành chính – kinh tế, văn hoá – xã hội của tỉnh, đến năm 2015, TP Cà Mau phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II, hướng đến đô thị loại I vào năm 2020, khẳng định vai trò là 1 trong 4 đô thị động lực của vùng kinh tế ĐBSCL.
Để đạt được mục tiêu đó, Chủ tịch UBND thành phố Lâm Văn Bi cho biết, thành phố sẽ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng văn minh, hiện đại. Tạo sự phát triển mạnh về kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông.
Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch. Phát triển đô thị nông thôn gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển hệ thống thương mại – dịch vụ và du lịch, tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng đa dạng hoá, tập trung phát triển ngành công nghiệp có tiềm năng và thế mạnh.
– Đồng chí có thể đánh giá một số thành tựu nổi bật TP Cà Mau đạt được trong năm qua?
* Đồng chí Lâm Văn Bi: Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thành phố đã nỗ lực chỉ đạo điều hành linh hoạt và kịp thời các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2012.
Theo đó, tổng sản phẩm GDP đạt 100,51% kế hoạch; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thương mại – dịch vụ tăng 19,60% so với năm 2011; thu nhập bình quân đầu người đạt 31,02 triệu đồng.
Công tác quản lý đô thị, quản lý quy hoạch, xây dựng được tập trung triển khai đồng bộ, tiến trình đô thị hoá phát triển nhanh nhiều mặt. Bằng nhiều nguồn vốn, trong năm trên địa bàn thành phố đầu tư 3.870 tỷ đồng, trong đó đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách 704 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng luôn được quan tâm đầu tư phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, góp phần cho việc phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
Với lợi thế là tỉnh lỵ trung tâm, hoạt động sản xuất thương mại, dịch vụ của thành phố luôn sôi động. Hiện thành phố có 12.596 cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại – dịch vụ, với 50.029 lao động, tổng vốn đầu tư 8.375 tỷ đồng.
Thời gian qua, ngành này luôn giữ vai trò quan trọng trong việc phục vụ đời sống nhân dân, ổn định thị trường và là cầu nối giao lưu hàng hoá trong và ngoài tỉnh.
Cùng với sự phát triển công nghiệp, thương mại – dịch vụ, lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản cũng có bước phát triển. Năm 2012, giá trị ngành nông nghiệp, thuỷ sản đạt 824 tỷ đồng, tăng 13,03% so năm 2011.
– Để bộ máy Nhà nước hoạt động nhanh nhạy, đồng bộ, thông suốt và thống nhất, phù hợp với chính quyền đô thị, thành phố đã thực hiện những giải pháp gì trong thời gian qua?
* Đồng chí Lâm Văn Bi: Năm 2012, thành phố tập trung thực hiện năm “kỷ cương hành chính”, công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm chỉ đạo trên tất cả các lĩnh vực và có nhiều chuyển biến tích cực.
– Theo đồng chí, những nhiệm vụ chính nào cần tập trung cho phát triển đô thị Cà Mau thời gian tới?
* Đồng chí Lâm Văn Bi: Thành phố cần thực hiện có hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại – dịch vụ – nông nghiệp – thuỷ sản. Khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
Đổi mới cách thức tăng trưởng theo hướng hài hoà giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đồng thời, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, chú trọng các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và bảo vệ môi trường, đẩy mạnh liên kết, hợp tác có hiệu quả với các tỉnh, thành phố bạn.
Thành phố sẽ tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ quản lý giỏi, công nhân kỹ thuật lành nghề cho một số lĩnh vực phục vụ yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Chú trọng đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt là ở các vùng đô thị hoá, triển khai đào tạo nghề theo nhu cầu phát triển của xã hội.
Tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính. Quan tâm đến việc bảo đảm môi trường sinh thái, tạo sự phát triển bền vững. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội để nâng cao dần mức sống của người dân.