(TITC) – Ngày 12/8/2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Lễ trao Chứng chỉ công nhận Vườn di sản ASEAN cho Vườn quốc gia U Minh Thượng.
Vườn quốc gia U Minh Thượng thuộc huyện U Minh Thượng tỉnh Kiên Giang, được nâng cấp từ khu Bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng lên thành Vườn quốc gia theo Quyết định số 11/QĐ-TTg ngày 14/1/2002 của Thủ tướng Chính phủ.
Vườn quốc gia có tổng diện tích 21.107 ha, trong đó vùng lõi chiếm 8.038 ha, vùng đệm chiếm 13.069 ha. Đây là loại rừng với hệ sinh thái rừng nhiệt đới ngập nước thuộc loại rất hiếm trên thế giới. Hệ thống động thực vật tại Vườn quốc gia U Minh Thượng rất đa dạng và phong phú, thuộc vào bậc nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với 32 loài thú, 186 loài chim, 39 loài bò sát lưỡng cư, 34 loài cá… Nhiều loài động vật tại đây như: Rái cá long mũi, Mèo cá, Bồ nông chân xám, Già đãy Java… được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Về thực vật, bên cạnh cây tràm (Melaleuca cajuputi) bản địa, còn có hơn 243 loài thực vật có mạch bậc cao, trong đó có nhiều loài cây thân gỗ cao, to như: Bùi, Mốp, Dấu, Trâm, Gáo…
Đặc biệt, trong hệ sinh thái rừng úng phèn của đồng bằng sông Cửu Long, duy nhất hệ thực vật rừng của vùng lõi Vườn Quốc gia U Minh Thượng có những đặc điểm của rừng cực đỉnh nguyên sinh. Đó là các ưu hợp rừng tràm hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn, với diện tích gần 3.000 ha. Đây cũng là căn cứ của Cách mạng trong thời kỳ kháng chiến. Với đặc điểm này, Vườn quốc gia U Minh Thượng không chỉ là khu vực có các hệ sinh thái đặc trưng của vùng đất than bùn mà nơi đây còn được xem như khu di tích lịch sử của tỉnh Kiên Giang.
Để được công nhận là vườn di sản, vườn quốc gia phải đảm bảo được các tiêu chí về tính tự nhiên, hoang dã, tính nguyên vẹn về hệ sinh thái, sự đa dạng và giá trị nổi bật quần thể. Các Vườn di sản ASEAN phải thực thi và chịu trách nhiệm về các chính sách bảo tồn sinh vật quý hiếm sống trong khu vực Đông Nam Á.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Vườn quốc gia U Minh Thượng được đánh giá cao về tính đa dạng sinh học. Đây là một trong những vườn quốc gia của Việt Nam tham gia dự án phục hồi và sử dụng bền vững đất than bùn trong khu vực Đông Nam Á (dự án Peatland) lần thứ 3.
Hiện tại, Vườn quốc gia U Minh Thượng đã đạt được 5 tiêu chí trên tổng số 9 tiêu chí trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị “xanh” của Công ước Ramsar, tạo cơ sở để cơ quan chức năng lập hồ sơ đăng ký Vườn quốc gia U Minh Thượng được công nhận là khu Ramsar, từ đó mở ra cơ hội để Kiên Giang đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đất ngập nước phục vụ phát triển du lịch sinh thái, đồng thời bảo tồn nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm.