Là vùng đất cực nam của Tổ quốc – Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau, Việt Nam) có vị trí chiến lược quan trọng trong thư mục những vùng đất ngập nước của các nước trong khu vực Đông Nam á. Những đặc điểm của hệ sinh thái đất ngập nước của Mũi Cà Mau là tiêu biểu cho vùng sinh thái ven biển.
Biểu tượng Mũi Cà Mau – điểm chót cùng của cực Nam Tổ Quốc, nơi du khách muốn đến
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, nơi có những đàn chim di trú đến sinh sống
Hệ sinh thái đất ngập nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ đa dang sinh học, duy trì sự cân bằng sinh thái chuyển tiếp giữa đất liền và đại dương. Đồng thời, Mũi Cà Mau còn là nơi tham quan, du lịch lý tưởng cho du khách gần xa. Nhà thơ Xuân Diệu đã từng tự hào: “Đất nước ta như một con tàu / Mũi thuyền ta đó, Mũi Cà Mau”.
Rừng ngập mặn Mũi Cà Mau là nguồn cung cấp dinh dưỡng và sản phẩm sơ cấp đầu tiên cho chuỗi thức ăn ở vùng ven biển và các giống loài động thực vật. Là nơi cư ngụ cho các loài động vật hoang dã và các loài chim di trú, cung cấp các sản phẩm: gỗ, củi, dụng cụ đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, bảo vệ bờ biển và hỗ trợ quá trình phát triển bền vững ở vùng ven biển Cà Mau.
Môi trường sạch, nơi các loài thủy sinh nhỏ trú ngụ và phát triển
Cây đước – một chủng loại đặc trưng của rừng ngập mặn
Nằm trong Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận vào tháng 4/2010, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có tổng diện tích tự nhiên là 41.862 ha với nhiều phân khu chức năng như: bảo vệ nghiêm ngặt, phục hồi sinh thái, bảo tồn biển và phục vụ hành chính. Vùng đệm là 8.194 ha.
Tuy không đa dạng về chủng loài nhưng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có những đặc thù riêng về hệ động thực vật: Hệ động vật có 93 loài chim, 26 loài thú, 43 loài bò sát, 9 loài lưỡng cư, 233 loài thủy sản. Trong đó có nhiều loài quý hiếm như: Bồ Nông chân xám, Giang Sen, Cò trắng Trung Quốc, Rái Cá, Cầy Giông đốm lớn, Rùa hộp lưng đen, Rùa răng, Rùa ba gờ, Rùa cổ bự, Ba ba Nam Bộ. Về hệ thực vật có đến 60 loài thực vật bậc cao, trong đó có 26 loài cây ngập mặn. Đặc biệt, Đước Đôi và Quao Nước là 2 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam.
Bãi Khai Long – một bãi biển đẹp, du khách thường đến tham quan trong hành trình về Đất Mũi
Tuần tra bảo vệ tài nguyên rừng
Con đường Đất Mũi – Khai Long đang từng bước hoàn thành mở ra cơ hội phát triển du lịch hấp dẫn vùng Mũi Cà Mau
Ngoài những tác dụng quan trọng trong việc phòng hộ, chống gió, chống xói lở, cải thiện các nhân tố khí hậu, giảm biến động nhiệt độ và điều hòa mưa, giảm tốc độ tuần hoàn của nước, tăng thêm các hoạt động ngưng tụ trong khí quyển – rừng ngập mặn Mũi Cà Mau còn có vai trò là nơi lưu giữ nguồn gien quý mà giá trị lớn nhất của nó chính là nguồn hải sản, là nơi cung cấp mùn cho các loài sinh vật khác tồn tại và phát triển.
Do điều kiện địa lý tự nhiên và được hình thành sau, nên Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có đến 51.601 nhân khẩu (vùng đệm là 48.241, vùng lõi là 3.360 nhân khẩu) thuộc các xã: Viên An, Đất Mới, Lâm Hải và Đất Mũi của 2 huyện Ngọc Hiển và Năm Căn sinh sống đan xen. Điều này làm ảnh hưởng ít nhiều đến việc quản lý, bảo tồn và phát triển tính đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau.