Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện nay không tập trung chảy vào các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, hay Đà Nẵng như trước đây mà đang có sự dịch chuyển dần đến một số tỉnh khác xa hơn.
Nếu như các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội ở những năm trước luôn là hai địa phương thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài thì tình hình hiện nay đã khác. Dòng vốn FDI vào Việt Nam đang có bước dịch chuyển đáng kể trong thời gian gần đây.
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy không có thành phố nào trong số kể trên lọt vào top 5 địa phương thu hút vốn đầu tư cao trong 7 tháng qua. Ngay cả TPHCM luôn dẫn đầu cả nước thu hút nguồn vốn FDI giờ đây cũng chỉ dừng lại ở vị trí thứ bảy.
Cụ thể theo FIA, trong 7 tháng qua TPHCM chỉ thu hút được gần 550 triệu đô la Mỹ từ những dự án mới được cấp phép và những dự án đang hoạt động điều chỉnh tăng vốn. So với vị trí dẫn đầu hiện nay của Thanh Hóa thì số vốn thu hút được của TPHCM chưa bằng 1/5.
Tương tự, Hà Nội trong 7 tháng qua cũng chỉ thu hút được hơn 408 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư mới và tăng thêm, đứng vị trí thứ 9.
Thành phố Hải Phòng trong hai năm nay mặc dù việc thu hút nguồn vốn FDI có chuyển biến hơn nhưng trong 7 tháng qua cũng thu hút được khoảng 380 triệu đô la Mỹ, đứng vị trí thứ 10 của cả nước.
Đà Nẵng cũng là thành phố thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài khi hướng vào thị trường miền trung, nhưng trong 7 tháng qua thành phố này cũng chỉ thu hút được khoảng 27 triệu đô la Mỹ…
Giới phân tích cho rằng các nhà đầu tư dường như không còn mặn mà vào các thành phố lớn như TPHCM hay Hà Nội bởi hai thành phố này đang tập trung khá nhiều dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khiến quỹ đất sạch không còn nhiều, giá thuê mặt bằng đắt đỏ…
Hai thành phố này hiện vẫn là nơi “sản sinh” ra lực lượng lao động có trình độ và có tay nghề lớn cho cả nước. Nhưng giới phân tích cho rằng, hạ tầng giao thông kết nối của hai thành phố này với các địa phương lân cận ngày càng tốt và dễ dàng hơn, nên nhiều người lao động giờ đây cũng chịu đi làm xa hơn. Do đó không ít nhà đầu tư đã tìm đến những địa bàn hấp dẫn có sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương từ việc giải phóng mặt bằng, chi phí giải tỏa đền bù, đất thuê giá thấp…
Khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ với các địa phương như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa,… là những “vùng đất mới” trước đây chưa được chú ý nhiều nhưng với điều kiện đất đai rộng lớn, dân số dồi dào, chính sách ưu đãi tốt đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Những nhà đầu tư lớn quen thuộc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… có sự chuyển hướng này.
Giới phân tích cho rằng sự dịch chuyển này của các nhà đầu tư và dòng vốn FDI không chỉ mang lại lợi nhuận cao hơn cho bản thân nhà đầu tư mà còn giúp cho các tỉnh thành của Việt Nam phát triển đồng đều hơn, tạo công ăn việc làm cho người dân nông thôn và giảm di cư lao động từ nông thôn ra các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm.
Điều này lý giải vì sao trong 7 tháng qua các địa phương như Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bắc Ninh đã lần lượt dẫn đầu thu hút nguồn vốn FDI.