Sự trì trệ trong công tác xúc tiến đầu tư của ngành nông nghiệp đang tiếp tục gây khó cho mục tiêu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này.
Nhà đầu tư nước ngoài thờ ơ với nông nghiệp…
Mười năm qua đã chứng kiến sự tụt dốc thảm hại của vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp, khi tỷ lệ vốn FDI trong nông nghiệp giảm từ mức 8% trong tổng cơ cấu vốn FDI năm 2001 xuống còn 1% vào năm 2010.
Ông Trần Văn Công, Trưởng phòng Hội nhập và Đầu tư (Vụ Hợp tác quốc tế – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT) phân tích, có ba lý do gây nên sự sụt giảm này.
Thứ nhất là do việc cơ cấu lại, chuyển toàn bộ dự án công nghiệp chế biến nông – lâm sản, thức ăn gia súc của ngành nông nghiệp sang ngành công nghiệp. Thứ hai, các dự án FDI vào hạ tầng, bất động sản tăng quá nhanh trong khi số dự án đầu tư vào nông nghiệp dậm chân tại chỗ khiến sự chênh lệch về tỷ lệ trong cơ cấu vốn càng doãng rộng. Thứ ba, do phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên, thời gian khấu hao vốn lâu, nên đầu tư vào ngành nông nghiệp bị đánh giá là rủi ro.
Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ chủ quan, việc lúng túng trong xây dựng chiến lược thu hút FDI, chậm chạp trong đề xuất các dự án FDI ưu tiên kêu gọi đầu tư, thiếu cơ chế phối hợp giữa ngành và các địa phương trong đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án FDI chưa tốt… của những người làm công tác xúc tiến đầu tư trong ngành nông nghiệp mới là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài thờ ơ với lĩnh vực nông nghiệp.
… vì thiếu thông tin
Năm ngoái, 20 doanh nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam tìm hiểu về chính sách, môi trường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là chế biến nông sản và các máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng đến giờ, vốn FDI từ Hàn Quốc vào nông nghiệp vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt.
Một đại diện Trung tâm xúc tiến Đầu tư và Thương mại Hàn Quốc (Kotra) từng thẳng thắn nhận xét rằng, lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam chưa hấp dẫn, bởi nguyên nhân lớn nhất là thiếu thông tin, sau đó mới đến hạ tầng, thủ tục hành chính.
Điều này cũng không khó giải thích khi ngay bản thân ông Công cũng thừa nhận chưa nắm được chính xác số vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp là bao nhiêu. Hơn thế, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về danh mục các dự án nông nghiệp trọng tâm trong thu hút vốn FDI năm 2011, một cán bộ của Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT cũng cho biết, danh sách này vẫn đang trong quá trình xây dựng và chưa thể công bố (!)
Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi đầu tư dành cho dự án đầu tư trong ngành nông nghiệp cũng bị đánh giá là chưa tạo được đột phá. Mặc dù năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2010/NĐ-CP thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, song chỉ có 1,63% doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này.
TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn bình luận: “Khi chính doanh nghiệp trong nước không muốn đầu tư vào nông nghiệp, những người giàu ở nông thôn mang tiền đầu tư vào các đô thị thì làm sao thu hút được người nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp?”. Đây là một phần lý do khiến ông Sơn khuyến nghị cần có chính sách hợp lý hơn đối với các dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp.
Giải pháp từ vốn mồi?
Đại diện Bộ NN&PTNT cho hay, trọng tâm thu hút vốn FDI thời gian tới là những dự án ít sử dụng tài nguyên, có hàm lượng công nghệ cao, dự án về sản xuất giống, công nghiệp chế biến, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp… Ngoài thu hút FDI, Bộ cũng đang nghiên cứu thúc đẩy mô hình PPP để tạo khởi sắc cho nông nghiệp.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn vào thực tế là các dự án FDI đầu tư vào nông nghiệp hiện nay đều thiếu tính bền vững, có quy mô rất nhỏ bé, chỉ khoảng 20- 30 triệu USD. Các dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đến từ các nước nắm giữ công nghệ của châu Âu, châu Mỹ rất hiếm, đa số là các nhà đầu tư đến từ các nước châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…
Chính vì vậy, theo ông Trần Kim Long, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), ngành nông nghiệp đang nỗ lực thực hiện các dự án ODA hiệu quả để tạo tiền đề làm “vốn mồi” thu hút vốn FDI.
Được biết, năm 2010, vốn ODA vào ngành nông nghiệp đạt mức kỷ lục: 32 dự án với gần 490 triệu USD. Trong đó, có 12 dự án về nông thôn mới, các dự án còn lại tập trung cho các lĩnh vực: chăn nuôi, trồng trọt, bảo tồn rừng, thủy lợi, biến đổi khí hậu…