Khó khăn chung của kinh tế thế giới cộng với niềm tin của nhà đầu tư phần nào bị ảnh hưởng do lạm phát đã khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam có dấu hiệu thu hẹp đáng kể trong tháng 8.
Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy tổng số vốn được nhà đầu tư nước ngoài đăng ký cho 582 dự án mới tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đạt hơn 7,94 tỷ USD. Như vậy, riêng trong tháng 8, con số này chỉ tăng hơn 340 triệu USD so với mức 7,6 tỷ USD ghi nhận được hồi cuối tháng 7.
Trong khi đó, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy, nếu tính cả các dự án đăng ký tăng vốn, FDI từ đầu năm mới đạt khoảng 9,5 tỷ USD, bằng 74% so với cùng kỳ 2010. Tuy vậy, tốc độ giải ngân vẫn tương đối đảm bảo, với 7,3 tỷ USD, tăng 1% so với 8 tháng đầu năm ngoái.
Vốn FDI sụt giảm là do những khó khăn của kinh tế thế giới hiện nay đã khiến các nhà đầu tư hạn chế mở rộng hoặc phải thận trọng hơn khi triển khai các dự án mới. Cùng với đó, tình trạng lạm phát cao, cộng với một loạt sự kiện như tụt hạng tín nhiệm, cảnh báo của các tổ chức quốc tế về mức độ an toàn của hệ thống ngân hàng Việt Nam… cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Sau 8 tháng, Hải Dương tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 14 dự án và tổng vốn gần 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, trong tháng 8, tỉnh này không có thêm dự án nào. TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và Hà Nội lần lượt giữ các vị trí tiếp theo với tổng số vốn thu hút khoảng 2,6 tỷ USD.
Trong khi đó, Hong Kong (Trung Quốc) tiếp tục là nền kinh tế có đầu tư mạnh nhất vào Việt Nam với gần 2,8 tỷ USD sau 8 tháng. Tiếp đó là 5 nước châu Á khác, bao gồm Singapore, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia với tổng vốn khoảng 3,2 tỷ USD.