Tin tức

Vốn đầu tư từ Italia sẽ tập trung vào dệt may, da giày

Ông Francesco Russo, Cố vấn trưởng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam chia sẻ kết quả sau 3 năm triển khai Dự án Phát triển cụm doanh nghiệp vừa và nhỏ, do UNIDO cùng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp thực hiện.

Theo ông, kết quả nổi bật sau 3 năm triển khai Dự án Phát triển cụm doanh nghiệp vừa và nhỏ là gì?

 

Ở góc độ vĩ mô, chúng tôi hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề cương Phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo mạng liên kết sản xuất và hình thành chuỗi giá trị.

 

Ở góc độ vi mô, chúng tôi hỗ trợ nâng cao năng lực canh tranh cho 80 doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong lĩnh vực dệt may, da giày, gỗ nội thất. Cụ thể, với ngành dệt may, có 30 doanh nghiệp tham gia (2 cụm tại Hà Nội/Hưng Yên và tại TP. HCM). Với ngành gỗ nội thất có 22 doanh nghiệp tham gia. Với ngành da giày có 20 doanh nghiệp tham gia. Chúng tôi đã tổ chức thành công các khóa đào tạo chung về thiết kế cho doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp thiết kế chung một bộ sưu tập (gồm 90 mẫu giày dép) để tham dự Hội chợ Garda tại Italia vào tháng 6/2012.

 

Thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam và Italia sẽ tiếp tục các hoạt động kết nối, kinh doanh như thế nào?

 

Sự kiện Roadshow tổ chức tại Italia vào cuối tháng 3 năm nay nhằm giới thiệu Việt Nam như điểm đến đầu tư tiềm năng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã thu hút sự tham gia của 500 doanh nghiệp Italia.

 

Cuối tháng 5/2012, sẽ có khoảng 30 doanh nghiệp Italia đến TP.HCM để tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư. Ngoài ra, sẽ có một chương trình trình diễn thời trang được tổ chức nhằm thể hiện những tiến bộ về năng lực thiết kế của một số công ty Việt Nam từng nhận được sự hỗ trợ và đào tạo của Dự án.

 

Thưa ông, vì sao doanh nghiệp Italia ngày càng quan tâm tới thị trường Việt Nam?

 

Trước đây, các doanh nghiệp Italia thường quan tâm và đẩy mạnh đầu tư tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Italia đang rất khó cạnh tranh tại thị trường này. Vậy nên, họ muốn kiếm tìm một thị trường khác ở khu vực châu Á và Việt Nam là điểm đến tiếp theo. Nếu sản xuất ở Việt Nam, các doanh nghiệp Italia sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường Đông Nam Á, nhất là khi Chính phủ Việt Nam đang có những chính sách ưu đãi nhà đầu tư nước ngoài.

 

Theo ông, về dài hạn, nhà đầu tư Italia sẽ tập trung vào lĩnh vực nào tại Việt Nam?

 

Việt Nam được các nhà quan sát quốc tế đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng, là địa bàn sản xuất rất cạnh tranh cho các doanh nghiệp Italia mong muốn tạo dựng và gia tăng sự hiện diện tại thị trường rộng lớn, phát triển nhanh như khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

 

Trước mắt, nhà đầu tư Italia sẽ tập trung vào lĩnh vực dệt may, da giày và gỗ nội thất; về dài hạn, có thể là ngành chế biến thực phẩm và xây dựng.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status