Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP 6 tháng năm nay thấp hơn, trong khi tăng trưởng GDP tương đương cùng kỳ năm trước, nên đây là tín hiệu khả quan cho biết hiệu quả đầu tư có thể khá hơn. Đây cũng là điểm nổi bật cần phát huy khai thác để vừa tăng trưởng cao hơn, vừa có chất lượng và bền vững hơn.
|
LƯỢNG VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN TOÀN XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2013 (Nghìn tỷ đồng)
|
LƯỢNG VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN TOÀN XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2013 (Nghìn tỷ đồng)
Tăng trưởng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có vốn đầu tư, bởi đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp tác động đến tốc độ tăng trưởng và hiệu quả đầu tư tác động đến chất lượng tăng trưởng.
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội /GDP đạt 29,6%, vừa thấp hơn cùng kỳ năm trước (khoảng 31%), vừa thấp hơn kế hoạch năm nay (30%). Có 3 điểm đáng lưu ý. Điểm lưu ý thứ nhất, tỷ lệ thấp này xuất phát từ tư duy tập trung cho mục tiêu ưu tiên là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, không chạy theo tốc độ tăng trưởng nóng. Điểm lưu ý thứ hai, tỷ lệ thấp như trên đã góp phần làm cho lạm phát thấp hơn cùng kỳ năm trước. Điểm đáng lưu ý thứ ba, tỷ lệ thấp đó cũng là một trong những yếu tố làm cho tăng trưởng GDP năm nay thấp hơn cùng kỳ năm trước, nhất là hai nhóm ngành kinh tế thực (nông, lâm nghiệp- thủy sản và công nghiệp- xây dựng).
So với cùng kỳ năm trước, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tính theo giá thực tế tăng 5,9%. Nếu loại trừ yếu tố giá thì vốn đầu tư 6 tháng năm nay còn bị giảm so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội có từ 3 nguồn: khu vực nhà nước, khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Nguồn vốn từ khu vực nhà nước tính theo giá thực tế tăng thấp (3,5%), do vậy, tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 6 tháng năm nay đã giảm xuống so với cùng kỳ năm trước (37% so với 37,9%).
Trong nguồn vốn này có vốn từ ngân sách nhà nước. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt còn thấp so với kế hoạch năm (44%) và giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước; nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì còn giảm sâu hơn. Nguyên nhân là do việc triển khai thực hiện vẫn chưa thoát khỏi tình trạng đầu năm thường chậm; do ngân sách còn gặp khó khăn; do nợ cũ đối với khối lượng đã hoàn thành còn lớn, do thực hiện chủ trương xã hội hóa… Trong đó, vốn trung ương quản lý còn đạt thấp hơn (41,4%) và giảm sâu hơn nữa (giảm 11,2%).
Nguồn vốn ngoài nhà nước tính theo giá thực tế có tốc độ tăng cao nhất (9,9%), nhờ vậy tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đã tăng lên (từ 36,1% lên 37,5%, cao nhất trong 3 nguồn). Tuy tính theo giá thực tế thì tăng, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá, thì vẫn còn bị giảm. Nguyên nhân chủ yếu do khu vực này có tâm lý chờ đợi, hoặc do nợ xấu, tồn kho cao, nên khó tiếp cận vốn vay và chưa dám đầu tư.
Nguồn vốn FDI tăng 3,9% (tính theo mức chuyển vào). Nguồn FDI trong 6 tháng có 3 điểm nổi bật. Sau nhiều năm bị giảm liên tục, 6 tháng năm nay đã tăng lên cả về tổng vốn đăng ký (đạt gần 10,5 tỷ USD, tăng 15,9%) cả về vốn đăng ký mới (đạt trên 5,8 tỷ USD, tăng 3,7%), cả về lượng vốn tăng thêm của các dự án cũ (đạt gần 4,7 tỷ USD, tăng tới 35,8%). Cơ cấu vốn đăg ký đã tập trung cao cho công nghiệp chế biến (88,9%); ngoài ra có bất động sản (chiếm 4%) và các ngành còn lại (7,5%). Lượng vốn thực hiện tăng khá (đạt 5,7 tỷ USD, tăng 5,6%). Đây là xu hướng tích cực, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá. Điều này, cùng với lượng ngoại tệ từ các nguồn khác, có thể làm cơ sở cho dự báo đợt tăng nóng tỷ giá lần này, cũng giống như 2 lần tăng từ đầu năm đến nay, sẽ chỉ là tạm thời.
Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP 6 tháng năm nay thấp hơn, trong khi tăng trưởng GDP tương đương cùng kỳ năm trước, nên đây là tín hiệu khả quan cho biết hiệu quả đầu tư có thể khá hơn. Tuy nhiên đây cũng là điểm nổi bật cần phát huy khai thác để vừa tăng trưởng cao hơn, vừa có chất lượng và bền vững hơn.