6 vấn đề, với 28 hạng mục và 70 tiểu hạng mục liên quan đến các vấn đề như điện lực, phát triển nguồn nhân lực, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển cơ sở hạ tầng… sẽ được hai phía Việt Nam và Nhật Bản chung tay giải quyết.
Đó là một trong những nội dung quan trọng của Kế hoạch hành động giai đoạn IV Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, vừa được các bên ký kết cuối tuần qua tại Hà Nội.
Theo kế hoạch, giai đoạn IV Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản sẽ được thực hiện từ nay tới cuối năm 2012, với mục tiêu là cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. “Việc triển khai những tiểu mục này rất quan trọng đối với việc hoàn thiện môi trường đầu tư của Việt Nam”, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Tanizaki Yasuaki nói.
Trên thực tế, đây cũng chính là những vấn đề mà Chính phủ Việt Nam quan tâm và đã có nhiều nỗ lực thực hiện trong thời gian qua. Tuy vậy, cho tới nay, vẫn còn những tồn tại cần tiếp tục giải quyết.
Chẳng hạn, chuyện thiếu điện là một trong những vấn đề có thể ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản. Chính vì thế, theo Ủy ban Hỗn hợp Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn IV, trong thời gian tới, việc xúc tiến phát triển điện là rất cần thiết. Hai bên cam kết cùng trao đổi ý kiến về những vấn đề gây trở ngại cho việc thực hiện, như chậm trễ trong thủ tục đấu thầu, công tác chuẩn bị tài chính… để có thể tìm cách giải quyết.
Tương tự, lo ngại tình hình cắt điện kéo dài có thể khiến không chỉ ngành chế tạo của Nhật Bản, mà còn của các nước khác sẽ bị dồn vào tình thế buộc phải chuyển địa điểm chế tạo từ Việt Nam sang nước khác, hai bên đề xuất việc cần phải có kế hoạch cắt giảm điện một cách cụ thể hơn. “Trường hợp thực hiện cắt điện theo kế hoạch, cần thông báo trước từ 5 ngày trở lên để doanh nghiệp có thể giải thích đầy đủ cho người lao động”, Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản nêu rõ.
Các kế hoạch hành động trong từng lĩnh vực như lao động, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển cơ sở hạ tầng, sở hữu trí tuệ…, với từng tiểu mục cụ thể, cũng đã được hai bên thảo luận và đi đến thống nhất về những việc cần phải làm.
Khẳng định mối quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản đối với Việt Nam ngày càng cao, ông Susumu Kato, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản bày tỏ hy vọng rằng, trong Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn IV, các vấn đề còn tồn đọng, cũng như các vấn đề mới, sẽ được cả hai bên nỗ lực giải quyết. “Cả hai phía cần dồn sức hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam, cũng như thu hút FDI vào Việt Nam”, ông Susumu nói.
Trong khi đó, trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng, trên cơ sở thành công của 3 giai đoạn trước, kế hoạch giai đoạn IV sẽ tiếp tục thực hiện đúng tiến độ, góp phần hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư, tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới, đồng thời thúc đẩy hợp tác, đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản tương xứng với tiềm năng, mong muốn của hai bên.
“Sáng kiến thực hiện thành công sẽ giúp môi trường đầu tư của Việt Nam, cả phần cứng và phần mềm, trở nên tốt hơn và Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến tích cực của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói.