Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trở lại trong 7 tháng đầu năm 2013 đã hé mở những tín hiệu khả quan trong việc hồi phục dòng vốn ngoại vào kinh tế VN. Tuy nhiên, cơ hội đầu tư và thu hút vốn mới vẫn còn đứng trước nhiều vấn đề ngổn ngang…
Lễ khởi công xây dựng tổ hợp công nghệ cao Samsung quy mô 2 tỉ USD tại khu công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên
Theo nhận định của ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành CBRE VN, sự ấm dần của thị trường vốn đồng nghĩa với tín hiệu VN tái xuất hiện trên bản đồ đầu tư. Và hoạt động đầu tư đó không chỉ là đầu tư gián tiếp, mà còn là đầu tư trực tiếp FDI. “Với nguồn vốn hiện tại trên thị trường, những thay đổi thiết yếu và cơ bản sẽ là cần thiết để tăng nguồn vốn đầu tư” – ông Marc Townsend nói.
Những thay đổi thiết yếu và cơ bản
Nhìn nhận vấn đề này, hầu hết chuyên gia đều cho rằng dù kinh tế VN đang ở mức tăng chỉ khoảng 5,3% và chuyển động chậm trong các chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, song đã đi đúng hướng. Thực tế, tăng trưởng GDP VN đã khôi phục sau một quý trì trệ. Ông David Blackhall – Giám đốc điều hành Vina Capital Real Estate, trong một diễn đàn và M&A mới đây tại TP HCM đã nhận định thực tế tình hình kinh tế VN hiện tốt hơn nhiều so với cách đây một năm. Thanh khoản của khối ngân hàng khá tốt, dư tiền mặt và sự thành lập của VAMC tuy chậm, nhưng đúng hướng và đang cần được chứng thực hiệu quả từ các bên có liên quan… Tất cả những điều đó là tiền đề cho một môi trường kinh doanh VN có khả năng tạo sức hấp dẫn trở lại.
Điều đặc biệt nhất kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Thuế thu nhập DN (TNDN) sửa đổi của Bộ Tài chính, trong đó có đề xuất bổ sung đưa lại phần ưu đãi thuế cho dự án đầu tư mở rộng của DN thay vì bị cắt từ đầu năm 2009. Điều này góp phần kích thích các DN đang hoạt động và làm ăn hiệu quả, có nhu cầu mở rộng quy mô đầu tư ở các ngành và lĩnh vực đang được Nhà nước khuyến khích đầu tư, trên cơ sở họ sẽ được hưởng ưu đãi và khuyến khích hoạt động và đó những DN nói theo tiêu chí của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Làm ăn tốt, có đóng góp cho kinh tế VN”. Điều này thể hiện kỳ vọng của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan quản lý đầu tư về nguồn vốn bổ sung mở rộng của DN FDI đang hoạt động sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Hiện tại, tính đến 20/7/2013, số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), Bộ Kế hoạch – Đầu tư vừa công bố cho thấy tổng vốn FDI vào VN đã đạt 11,9 tỉ USD. Như vậy, vốn FDI đã ngừng giảm và bắt đầu xu hướng tăng. Con số gần 12 tỉ USD thu hút được trong 7 tháng đầu năm nay, theo FIA, đã bằng 119,6% cùng kỳ năm trước.
FIA cho biết trong tổng vốn đầu tư vào VN kể trên có vốn đăng ký của 677 dự án được cấp phép mới (đạt trên 6,9 tỉ USD, bằng 93,5% số dự án và bằng 110% số vốn cùng kỳ năm 2012). Ngoài ra, có 266 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước đã đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,9 tỉ USD. Đây phải chăng chính là hiệu ứng từ việc “sửa luật” nhằm thu hút thêm nguồn vốn đầu tư đã nhanh chóng trở thành hiện thực?
Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện, đã giải ngân theo ước tính của FIA mới chỉ đạt khoảng 6,7 tỉ USD (tương đương hơn ½ tổng vốn đầu tư FDI cả cấp mới và bổ sung), tăng nhẹ 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng mạnh về tổng vốn đăng ký và tăng nhẹ về tổng vốn thực hiện, giải ngân cho thấy VN đã tái xuất hiện trên bản đồ đầu tư bằng những con số thực.
Cơ hội đầu tư qua cửa M&A
Có nhiều tín hiệu khác cũng cho thấy các dòng vốn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại VN. Dẫn ra trường hợp Quỹ đầu tư toàn cầu Warburg Pincus mua lại 20% của Vincom Retail Subsidiary, ông David Blackhall cho rằng đây không chỉ là thành công mới của riêng Vingroup mà còn kéo theo đó là sự chứng thực niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài với thị trường trong nước, có tác dụng thúc đẩy các dòng vốn đầu tư.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Johan Nyvene – Tổng giám đốc Cty Chứng khoán HSC thì những trường hợp như Warburg Pincus đầu tư vào Vingroup, chỉ nên xét như một hình thức đầu tư tài chính, không phải M&A và cũng không phải đầu tư trực tiếp. Dù vậy, đây vẫn là điển hình cho thấy các dòng vốn, ở quy mô rộng lớn hơn, đã và đang tiếp tục tìm kiếm các cơ hội tại thị trường VN.
Một trong những cơ hội đó, đối với các nhà đầu tư ngoại hiện nay, là đầu tư trực tiếp thông qua cánh cửa M&A DN , dự án. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư đã sẵn sàng bỏ qua những ưu đãi dành cho phần đầu tư mở rộng, chọn một phương thức đầu tư, vẫn là mở rộng nhưng bằng hình thức sáp nhập, mua lại DN, dự án đầu tư đang hoạt động. Trong trường hợp này, theo quy định sửa đổi, sau khi hoàn tất thương vụ, các DN ngoại không được áp dụng ưu đãi theo diện đầu tư mở rộng mà sẽ được tiếp tục hưởng ưu đãi cho thời gian còn lại (nếu DN, dự án mua lại đang trong thời gian hưởng ưu đãi về thuế thu nhập DN).
Một số trường hợp đầu tư FDI qua cửa M&A dễ thấy là Unicharm mua lại Diana, Kirin Holding mua Wonderfarm, Lotte Korea mua lại Phan Thiet Commercial Center, Xi măng Vissai mua lại Xi măng Đồng Bành…
Tỉ lệ phân bổ đầu tư của các quốc gia và vùng lãnh thổ vào VN trong 7 tháng đầu năm 2013 (nguồn: FIA)
Điều khiến các nhà đầu tư nước ngoài e ngại nếu sử dụng phương cách M&A để “chắc chân”, biến các DN, dự án mua lại hoặc sáp nhập thành “Cty con” hoặc “chi nhánh” của mình trong dài hạn tại VN, là thủ tục pháp lý, đặc biệt thủ tục cấp giấy phép mới còn khó khăn, chậm trễ. Ông Marc Townsend nhấn mạnh điều đó đặc biệt khó khăn trong các trường hợp DN nước ngoài mua dự án, biến đầu tư qua M&A thành FDI – đầu tư dài hạn vào BĐS tại VN bằng chính dự án mua lại.
Những lĩnh vực hứa hẹn sôi động
Công nghiệp chế biến, bất động sản, thương mại, phân phối và thực phẩm… theo nhiều chuyên gia sẽ là đích nhắm của các DN FDI hiện nay và trong tương lai, dù bằng phương thức đăng ký vốn trực tiếp hay chuyển hóa vốn từ M&A.
Theo FIA, trong tổng vốn FDI đăng ký vào các ngành trong bảy tháng đầu năm 2013, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỉ lệ cao nhất, đạt trên 10,4 tỉ USD, chiếm 87,6% tổng vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản đạt 580,8 triệu USD, chiếm 4,9%; các ngành còn lại đạt 889,3 triệu USD, chiếm 7,5%… Trong khi đó, theo thống kê của RECOF, một tổ chức tư vấn đầu tư nước ngoài và M&A Nhật Bản thì xu hướng đầu tư của DN Nhật Bản – nhà đầu tư dẫn đầu về hoạt động M&A trên thị trường VN và liên tục đứng trong top 3 về hoạt động đầu tư FDI tại VN – trong giai đoạn từ 2004-2013 vẫn tập trung nhiều các ngành công nghiệp nhẹ và công nghiệp dịch vụ hơn là các ngành công nghiệp nặng. Với lợi thế về một nền kinh tế có 90 triệu dân, hơn 50% ở độ tuổi lao động thì tiềm năng về thị trường lao động (giá rẻ) phục vụ ngành chế biến và chế tạo giản đơn vẫn rất dồi dào; điều đó đã và đang song hành với lợi thế, tiềm năng về một thị trường tiêu thụ nội địa, bao gồm tiêu thụ các sản phẩm tiêu dùng lẫn các tài sản lớn như bất động sản. Nhà đầu tư FDI sẽ được hưởng lợi kép từ sức mua nội địa ngay trên thị trường VN, ngoài lợi ích để gia công xuất khẩu.
Hẳn vì lẽ đó, nhận định của ông David Blackhall là hoàn toàn có lý: “Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tìm hiểu khả năng đầu tư vào VN, cả ở địa ốc lẫn các lĩnh vực khác. Đó là những nhà đầu tư toàn cầu. Bước đệm này sẽ không chỉ khuyến khích các Cty đầu tư vào VN, còn nâng cao độ tin cậy với môi trường đầu tư VN – một môi trường có bối cảnh vĩ mô chưa thực sự ổn định”.
Tuy nhiên, kể cả khi kinh tế VN chưa thực sự ổn định, thì rào cản này cũng sẽ không cản trở quá nhiều đối với cơ hội hồi phục của những dòng vốn đầu tư. Vấn đề chỉ là chất lượng, hiệu quả của dòng vốn đó, sẽ đóng góp như thế nào cho nền kinh tế mới nổi VN; hay VN sẽ vẫn là địa chỉ “dễ đến dễ đi” và được các nhà đầu tư hăm hở tìm cơ hội bởi nguồn cung lao động dồi dào dễ thâm dụng, tài nguyên dễ khai thác và mục tiêu được đặt ra đơn giản trong ngắn hạn có thể sẽ là giải quyết đời sống, công ăn việc làm cho người dân và đóng góp vào tăng trưởng một phần nhờ dòng vốn FDI?
Ông Mark Gilink – Chủ tịch Amcham:
Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP) cũng mang lại cơ hội mới để VN đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và đổi mới mô hình tăng trưởng của đất nước. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng VN là quốc gia sẽ hưởng lợi nhiều nhất trong số các quốc gia đang đàm phán ký kết hiệp định này, với tăng trưởng về xuất khẩu và GDP có khả năng cao hơn nhiều so với các quốc gia đối tác khác. Nếu VN có thể tận dụng tất cả lợi thế, thì TPP sẽ có thể tạo điều kiện giúp cho khu vực tư nhân tiếp cận các thị trường trọng yếu dễ dàng hơn, thúc đẩy cạnh tranh, thu hút thêm đầu tư nước ngoài, giúp xây dựng cơ sở hạ tầng cho hệ thống chuỗi phân phối trọng yếu, và mang lại những lợi ích to lớn cho VN, các Cty và người dân nơi đây.
|
Ông Mark Gilink – Chủ tịch Amcham:
Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP) cũng mang lại cơ hội mới để VN đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và đổi mới mô hình tăng trưởng của đất nước. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng VN là quốc gia sẽ hưởng lợi nhiều nhất trong số các quốc gia đang đàm phán ký kết hiệp định này, với tăng trưởng về xuất khẩu và GDP có khả năng cao hơn nhiều so với các quốc gia đối tác khác. Nếu VN có thể tận dụng tất cả lợi thế, thì TPP sẽ có thể tạo điều kiện giúp cho khu vực tư nhân tiếp cận các thị trường trọng yếu dễ dàng hơn, thúc đẩy cạnh tranh, thu hút thêm đầu tư nước ngoài, giúp xây dựng cơ sở hạ tầng cho hệ thống chuỗi phân phối trọng yếu, và mang lại những lợi ích to lớn cho VN, các Cty và người dân nơi đây.
|
Ông Mark Gilink – Chủ tịch Amcham:
Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP) cũng mang lại cơ hội mới để VN đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và đổi mới mô hình tăng trưởng của đất nước. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng VN là quốc gia sẽ hưởng lợi nhiều nhất trong số các quốc gia đang đàm phán ký kết hiệp định này, với tăng trưởng về xuất khẩu và GDP có khả năng cao hơn nhiều so với các quốc gia đối tác khác. Nếu VN có thể tận dụng tất cả lợi thế, thì TPP sẽ có thể tạo điều kiện giúp cho khu vực tư nhân tiếp cận các thị trường trọng yếu dễ dàng hơn, thúc đẩy cạnh tranh, thu hút thêm đầu tư nước ngoài, giúp xây dựng cơ sở hạ tầng cho hệ thống chuỗi phân phối trọng yếu, và mang lại những lợi ích to lớn cho VN, các Cty và người dân nơi đây.