Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông D. MARANTIS, Phó đại diện Thương mại Mỹ cho rằng, với việc tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam đã gửi đi những tín hiệu mạnh mẽ, làm tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư.
Sau khi đạt thoả thuận về trần nợ công, một số chuyên gia cho rằng, kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn. Liệu Mỹ có thay đổi chính sách với châu Á và Việt Nam, thưa ông?
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương là trọng tâm trong chính sách thương mại của Mỹ, trong đó, Việt Nam là tâm điểm trong chính sách của Mỹ tại châu Á. Thoả thuận đạt được về trần nợ công là thoả thuận có tính toàn diện giữa chính quyền Mỹ với hai đảng về trần nợ, sẽ tạo ra con đường có tính dài hạn cho sự ổn định về tài khoá và tài chính. Thoả thuận trần nợ công cũng không thay đổi cam kết của Mỹ với châu Á và Việt Nam, đó là những cam kết có tính bền vững, không bị tác động.
Quan hệ vững mạnh với châu Á và Việt Nam là điều quan trọng có tính chất sống còn với tương lai kinh tế của Mỹ. Khi Việt Nam và Mỹ tăng cường các hoạt động xuất khẩu sang thị trường của nhau, sẽ kéo theo tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm hơn.
Ông nhìn nhận ra sao về những thách thức kinh tế mà Việt Nam đang gặp phải?
Chúng tôi tôn trọng và nhìn nhận các thách thức của Việt Nam như lạm phát cao và thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng tăng. Việt Nam nên có các biện pháp phù hợp trong xử lý các vấn đề kinh tế vĩ mô để không ảnh hưởng đến hoạt động thương mại giữa Việt Nam với Mỹ, cũng như với các quốc gia khác. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước vẫn đạt 18 tỷ USD vào năm 2010.
Mới đây, Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách các thị trường có tiềm năng lớn phải đẩy mạnh hợp tác trong 5 năm tới. Ông có thể cho biết định hướng hay những lĩnh vực, ngành nghề mà Mỹ sẽ chú trọng đầu tư vào Việt Nam?
Việt Nam đã làm rất tốt việc thực hiện các cam kết của Hiệp định Thương mại song phương (BTA) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ngoài ra, việc Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho thấy, Việt Nam đã gửi những tín hiệu, cam kết mạnh mẽ trong việc mở cửa nền kinh tế và trở thành điểm thu hút đầu tư.
Trở lại Việt Nam lần này, tôi đã gặp gỡ lãnh đạo Bộ Công thương, cũng như các quan chức liên quan để nhìn lại quan hệ thương mại hai bên, đặc biệt là thúc đẩy việc hoàn tất đàm phán Hiệp định TPP, đồng nghĩa với việc tham gia chuỗi cung cấp hàng hóa toàn cầu, tạo cơ hội đưa các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam ra thế giới và ngược lại là hàng hóa của Mỹ vào Việt Nam. Chính vì vậy, Mỹ nhận thấy Việt Nam là một thị trường tiềm năng, có thể đẩy mạnh phát triển. Việc đẩy mạnh đầu tư của Mỹ vào Việt Nam sẽ diễn ra trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, phía Mỹ sẽ để ý nhiều hơn đến các ngành dịch vụ, sản xuất và những ngành có thể đem đến cơ hội xuất khẩu nói chung