Tin tức

Việt Nam là địa điểm CH Séc ưu tiên đầu tư

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam- Cộng hòa Séc diễn ra chiều 21/1, ông Jaroslav Hanak, Chủ tịch Hiệp hội Cộng hòa Séc (CH Séc) nhấn mạnh: “Việt Nam là 1 trong 12 quốc gia mà CH Séc ưu tiên thúc đẩy phát triển hợp tác thương mại, đầu tư thời gian tới”. 

Diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán CH Séc tại Việt Nam tổ chức nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại CH Séc, ông Martin Kuba tới Việt Nam từ 20-22/1.

Tại Diễn đàn này, đoàn doanh nghiệp CH Séc gồm 18 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: hàng không; năng lượng nguyên tử; sản phẩm nông nghiệp; giao thông cầu đường; tài chính ngân hàng, bảo hiểm; máy móc trong ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp luyện kim đã trao đổi những thông tin với các doanh nghiệp Việt Nam nhằm tìm kiếm khả năng hợp tác cho doanh nghiệp hai nước.

Trong số các lĩnh vực đầu tư, ông Martin Kuba khẳng định: “hạ tầng, năng lượng và giao thông vẫn là thế mạnh hợp tác của CH Séc với Việt Nam và các doanh nghiệp Séc hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam trong thời kỳ phát triển đất nước sắp tới”.

Hiện, CH Séc nằm trong số những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Đông Âu. Theo số liệu năm 2012, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và CH Séc đạt 242,1 triệu USD, tăng 10,1% so với năm 2011 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang CH Séc khoảng 180,05 triệu USD, ở mức xấp xỉ kim ngạch năm 2011. Tuy nhiên, nhập khẩu từ Cộng hòa Séc lại tăng khá ấn tượng với mức tăng 70%, đạt 62,02 triệu USD so với 37 triệu USD của năm 2011.

Như vậy, Việt Nam vẫn đạt tỷ lệ xuất siêu sang Cộng hòa Séc. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang CH Séc bao gồm dệt may, giầy dép, thủy sản, máy móc, thiết bị, dụng cụ, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, phương tiện vận tải… Từ năm 2011, mặt hàng điện thoại và linh kiện cũng nằm trong danh sách những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang CH Séc.

Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Séc bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, sản phẩm từ sắt thép… 

Mặc dù, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và CH Séc có mức tăng trưởng khá đều đặn qua các năm, nhưng ông Martin Kuba vẫn hy vọng mối quan hệ này sẽ tiến xa hơn nữa đặc biệt khi Việt Nam có thể là một cầu nối tốt để hàng hoá của Séc thâm nhập vào thị trường các nước ASEAN.  Ngược lại CH Séc cũng sẽ là đối tác quan trọng, là cửa ngõ để hàng hoá Việt Nam xâm nhập vào Liên minh châu Âu.

Minh chứng cho tiềm năng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và CH Séc là hoàn toàn có cơ sở, thứ trưởng Bộ Công thương, ông Nguyễn Nam Hải cho rằng: Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác và Hợp tác (PCA) giữa Việt Nam và Eu tháng 6/2012, xác định khuôn khổ hợp tác toàn diện trong tất cả các lĩnh vực giữa Việt Nam với các nước EU, trong đó có CH Séc. Cùng với việc ký chính thức PCA, việc đàm phán thành công FTA với EU (dự kiến quý II/2013 sẽ diễn ra phiên đàm phán tiếp giữa Việt Nam và EU) sẽ mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai bên.

“Do đó, tiềm năng và cơ hội hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU, trong đó có CH Séc, giai đoạn tới là rất to lớn”, ông Nam nhấn mạnh.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status