Thái Lan có thể để vuột mất ngôi vị nước xuất khẩu gạo số 1 vào tay Việt Nam trong thời gian từ nay tới năm 2015, do chi phí sản xuất ở Thái Lan tăng và đồng tiền Việt Nam yếu hơn làm giảm sức cạnh tranh của gạo Thái. Nhận định này do Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan đưa ra.
“Chúng tôi phải thừa nhận là trong vòng 5-6 năm tới, chúng tôi có thể sẽ không còn là nước xuất khẩu gạo lớn nhất nữa. Chúng tôi không còn cạnh tranh với Việt Nam được nữa”, ông Chookia nói.
Theo Bộ Thương mại Thái Lan, việc nước này bị mất thị phần trên thị trường xuất khẩu gạo toàn cầu trị giá 5,05 tỷ USD là một thách thức nữa đối với nền kinh tế Thái, sau khi ngành du lịch ở đây đã bị thiệt hại nặng vì thời gian căng thẳng chính trị kéo dài vừa qua.
Ông Chookiat cho biết, giá gạo Thái Lan bị đẩy lên một phần do Chính phủ nước này áp dụng các chương trình bảo đảm giá tối thiểu cho nông dân với mục đích để hỗ trợ khu vực nông thôn. Theo ông Chookia, xuất khẩu gạo đồ sẽ giúp Thái Lan duy trì lợi thế so với Việt Nam ở thời gian hiện tại, còn trên thị trường gạo trắng, sức cạnh tranh của Thái Lan đã đuối dần.
Theo Viện Nghiên cứu gạo Quốc tế, vào năm 1980, Thái Lan đã vượt Mỹ về xuất khẩu gạo. Khi đó, Việt Nam hầu như còn chưa có tên trên bản đồ xuất khẩu gạo và mới chỉ xuất được 1 tấn gạo vào năm 1988.
Mức chênh lệch về giá của cùng loại gạo do Việt Nam và Thái Lan xuất khẩu đang ngày càng lớn. Theo số liệu của Cơ quan Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), vào năm 2007, loại gạo 5% tấm của Thái Lan đắt hơn của Việt Nam 12 USD/tấn. Tới năm 2008, mức chênh này là 68 USD/tấn, và năm nay đã lên tới 123 USD/tấn.
Ông Rut Subiran, Giám đốc điều hành công ty xuất khẩu gạo Herba Bangkok, cho rằng, đồng VND yếu cũng là một lý do giúp gạo của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tốt hơn gạo Thái Lan. Hiện tỷ giá VND so với USD đang thấp hơn khoảng 11% so với hai năm trước, trong khi cùng khoảng thời gian này, đồng Baht của Thái Lan đã tăng giá từ 33,53 Baht/USD lên 32,38 Baht/USD.