Từ ngày 1/10 tới, Bộ Tài chính sẽ miễn thuế cho hàng loạt khoản thu nhập cá nhân; cùng với đó, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế cũng được nâng lên 9 triệu đồng/tháng, thay cho mức 4 triệu như hiện nay.
Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh được quy định cụ thể đối với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng, tương đương 108 triệu đồng/năm; đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng (hiện nay là 1,6 triệu đồng/tháng).
Ngoài việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cho chính người nộp thuế và người phụ thuộc, cũng kể từ 1/10 tới, theo Thông tư, các khoản thu nhập được miễn thuế bao gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi…; Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Thu nhập từ giá trị quyền sử dụng đất của cá nhân được Nhà nước giao đất không phải trả tiền hoặc được giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các khoản thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản; thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với quy định;tiền lương hưu; thu nhập từ học bổng; thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm … cũng được miễn thuế.
Đặc biệt, một trong những điều gây tranh cãi thời gian gần đây là việc đánh thuế trên lãi tiền gửi cũng nằm trong phạm vi của Thông tư này. Trong đó, thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ cũng được miễn thuế.
Cùng với đó, thông tư quy định các khoản thu nhập từ kiều hối được miễn thuế là khoản tiền cá nhân nhận được từ nước ngoài do thân nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người Việt Nam đi lao động, công tác, học tập tại nước ngoài gửi tiền về cho thân nhân ở trong nước.
Người có nhiều khoản thu nhập được chọn tính giảm trừ tại một nơi
Ngoài ra, Thông tư của Bộ Tài chính cũng quy định về nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh, người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh thì tại một thời điểm (tính đủ theo tháng) người nộp thuế lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi.
Đối với người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 1 hoặc từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam trong năm tính thuế (được tính đủ theo tháng).
Trường hợp trong năm tính thuế cá nhân chưa giảm trừ cho bản thân hoặc giảm trừ cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được giảm trừ đủ 12 tháng khi thực hiện quyết toán thuế theo quy định.
Giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, người nộp thuế được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.
Khi người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc sẽ được cơ quan thuế cấp mã số thuế cho người phụ thuộc và được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký.
Đối với người phụ thuộc đã được đăng ký giảm trừ gia cảnh trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được giảm trừ gia cảnh cho đến khi được cấp mã số thuế.
Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì người nộp thuế tự thoả thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.