Tin tức

Trong suy thoái kinh tế toàn cầu, kiều bào vẫn hướng về đất nước

Những thay đổi, hoàn thiện dần các chính sách của Nhà nước trong những năm qua đã mở thêm điều kiện cho đóng góp tích cực và toàn diện hơn của kiều bào với quê hương, đất nước.

Cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Việc xây dựng chính sách, vận động và thông tin tuyên truyền về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNƠNN) đã được tiếp nối một cách sâu rộng và toàn diện tạo nên những chuyển biến tích cực. Chính sách mới về quốc tịch, mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của NVNƠNN cũng như việc thực thi chủ trương thu hút các chuyên gia trí thức kiều bào đóng góp cho đất nước… đang mở ra những kỳ vọng mới trong việc khơi dậy nguồn lực của kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới. Từ khi Nghị quyết 36 ra đời, nhãn quan của các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đối với công tác kiều bào có chuyển biến quan trọng. Xác định kiều bào là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam, là bộ phận được Nhà nước bảo hộ như đối với người trong nước, bà con kiều bào trở về quê hương cảm thấy mình thực sự là người chủ của đất nước.

 

 

Kinh tế khó khăn, kiều bào vẫn đóng góp nhiều cho đất nước 

 

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, mỗi năm có hàng trăm chuyên gia, trí thức kiều bào về nước hợp tác. Đến nay đã có khoảng trên 3.000 dự án đầu tư của kiều bào tại Việt Nam với tổng số vốn hàng tỷ USD, cùng với lượng kiều hối lớn gửi về nước, là nguồn lực quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế đất nước. Theo Báo cáo Kiều hối và Di trú trú toàn cầu do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, Việt Nam đứng thứ 16/30 quốc gia có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất. Theo thống kê của Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), tính đến hết tháng 11/2010, nguồn thu ngoại tệ từ kiều hối đã đạt mức 7,6 tỷ USD. Trong tháng 12/2010, lượng kiều hối đạt khoảng 770 triệu USD, nâng tổng nguồn thu từ kiều hối của cả năm 2010 lên mức 8 tỷ USD, tăng 25,6% so với tổng lượng kiều hối của cả năm 2009. Dự báo lượng kiều hối năm 2011 sẽ tăng thêm 6,2%. Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, thực tế, những năm qua, kinh tế thế giới suy thoái, ảnh hưởng đến đời sống của kiều bào, nhưng lượng kiều hối gửi về Việt Nam vẫn đạt bình quân 6 – 7 tỷ USD/năm, trong đó đáng chú ý là năm 2010, con số 8 tỷ USD kiều hối chảy về Việt Nam được xem là kỷ lục, dù kinh tế còn khó khăn.

 

Ông Tạ Nguyên Ngọc, Vụ trưởng vụ Quan hệ Kinh tế – Khoa học & công nghệ (Ủy Ban Nhà nước về NVNƠNN cho biết: Trước đây, kiều hối là ngoại tệ được người Việt Nam định cư ở nước ngoài gửi về cho thân nhân. Thời đó, chủ yếu là ngoại tệ kiều bào gửi về giúp đỡ gia đình ở trong nước có thêm tiền chi tiêu, sinh sống. Còn kiều hối của người Việt Nam gửi về nước hiện còn là tiền đầu tư làm ăn chứ không chỉ gửi để thân nhân tiêu dùng. Phải khẳng định rằng, đây là nguồn tài chính lớn, ít nhiều có ý nghĩa bổ sung nguồn ngoại tệ, đóng góp tốt cho nền kinh tế. “Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì phần lớn các gia đình rút ra rồi đầu tư vào bất động sản, bổ sung cho nguồn vốn kinh doanh và không loại trừ có tham gia vào thị trường chứng khoán” – ông Ngọc cho biết.

 

Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá chính sách vào cuộc sống

 

Để cung cấp mọi thông tin về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước với kiều bào, mới đây, Trang web www.vietkieu.info dành cho NVNƠNN đã được Thông tấn xã Việt Nam, Uỷ ban Nhà nước về NVNƠNN và Bộ Thông tin – Truyền thông khai trương. Chính sách với kiều bào cũng được cụ thể hoá trên từng lĩnh vực, thí dụ trong lĩnh vực tài chính, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đã thông báo về việc quản lý đối với nhà đầu tư cá nhân là người Việt Nam có hai quốc tịch. Theo đó, nhà đầu tư này sẽ được đăng ký là nhà đầu tư trong nước theo số hộ chiếu Việt Nam còn thời hạn sử dụng khi đăng ký mở tài khoản hoặc đăng ký sở hữu chứng khoán…

 

Theo, ông Trần Hòa Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về NVNƠNN TP. HCM, tính đến nay đã có trên 3 triệu lượt khách quốc tế, trong đó có 370.000 lượt kiều bào về nước qua cửa khẩu quốc tế tại TP. Lượng kiều bào về nước dịp Tết Nguyên đán 2011 sẽ tăng mạnh so với năm trước, trong đó riêng lượng kiều bào tại Mỹ về TP. HCM sẽ chiếm 35 – 40%.  Nhằm tạo điều kiện cho kiều bào về thăm quê hương, đón Tết trong không khí vui tươi, lành mạnh, Bộ Ngoại giao và UB về NVNƠNN sẽ tổ chức lễ hội “Xuân Quê hương” cho kiều bào tại Hà Nội. UBND TP. HCM cũng sẽ tổ chức các hoạt động triển lãm, chương trình họp mặt kiều bào cuối năm. Là một trong 3 cửa khẩu lớn nhất nước, sân bay cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất luôn chuẩn bị chu đáo công tác đón kiều bào. Sân bay đã áp dụng bỏ tờ khai xuất nhập cảnh đối với tất cả hành khách trong nước và quốc tế qua cửa khẩu, thực hiện bắt đầu từ ngày 15-9-2010.

 

Đông đảo bà con kiều bào đều nhận định, bên cạnh nguồn lực vật chất, tiềm năng về trí tuệ của bà con kiều bào, nhất trong chuyển giao công nghệ, vai trò cầu nối trong xúc tiến thương mại, đầu tư… còn rất tiềm tàng. Tiềm năng này tuy đã được phần nào phát huy nhưng vẫn rất cần những chính sách mang tính đột phá, phù hợp và năng động hơn.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status