Năm 2012, XK tôm Việt Nam sang EU giảm mạnh, trong đó XK sang Đức – nước dẫn đầu trong khối về NK tôm Việt Nam – giảm gần 28%. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất trong XK tôm sang thị trường này năm qua không phải là mức sụt giảm này mà chính là sự chuyển dịch trong cơ cấu sản phẩm tôm XK sang Đức. Tôm chân trắng đã vượt qua tôm sú, đóng góp giá trị cao hơn trong tổng giá trị XK tôm Việt Nam sang thị trường này.
Năm 2011, tôm chân trắng chiếm 35,7% tổng giá trị XK tôm sang Đức với 40,4 triệu USD. Trong khi đó, tôm sú chiếm tới 56,3% với 63,7 triệu USD. Tuy nhiên, sang năm 2012, tỷ trọng tôm chân trắng đã tăng tới 46,6% trong khi tỷ trọng tôm sú giảm còn 45,5%.
Năm 2013, dự báo nền kinh tế khu vực đồng euro nói chung vẫn sẽ ảm đạm. Và với nét đặc trưng trong thói quen tiêu dùng của người Đức là rất coi trọng giá cả thì tôm chân trắng sẽ tiếp tục phát huy vị thế của nó trên thị trường rộng lớn này. Tháng 1/2013, XK tôm chân trắng sang Đức chiếm tới 57,5% trong khi tôm sú chỉ chiếm 34,8% tổng giá trị.
Sự chuyển dịch trong cơ cấu sản phẩm XK mở ra một hướng mới cho các DN XK tôm sang Đức. Tuy nhiên, hướng đi này không hề dễ dàng do phải cạnh tranh mạnh với “cường quốc” tôm chân trắng là Thái Lan.
Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), Thái Lan là nước cung cấp tôm nhiều nhất cho thị trường Đức. Năm 2011, Thái Lan dẫn đầu về cung cấp tôm cho Đức với giá trị đạt trên 111 triệu USD. Mười một tháng đầu năm 2012, nước này tiếp tục duy trì vị trí số 1 với giá trị đạt 74,6 triệu USD.
Năm 2011, Việt Nam giữ vị trí thứ hai sau Thái Lan về cung cấp tôm cho Đức nhưng sang năm 2012 đã xuống vị trí thứ ba. Nếu như thị trường Đức có xu hướng tiêu thụ tôm chân trắng nhiều hơn thì có lẽ Thái Lan sẽ tiếp tục củng cố vị trí của mình trên thị trường lớn nhất EU này nhờ thế mạnh về sản xuất loài tôm chân trắng. Tuy nhiên, năm 2013 XK tôm Thái Lan sẽ gặp nhiều khó khăn tại thị trường Mỹ do ảnh hưởng của vụ kiện chống trợ cấp mới được khởi xướng và do cáo buộc lạm dụng lao động nhập cư bất hợp pháp và lao động trẻ em. Do đó, tôm Việt Nam sẽ vẫn phải cạnh tranh với tôm Thái Lan trên thị trường Đức.
Phát huy thế mạnh
Từ năm 2006 – 2011, Việt Nam luôn giữ vị trí dẫn đầu về cung cấp tôm nguyên liệu đông lạnh cho Đức. Năm 2012, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế chung trong khu vực cộng với nguồn cung tôm nguyên liệu trong nước bất ổn nên Việt Nam xuống vị trí thứ ba về cung cấp mặt hàng này với giá trị đạt 44,1 USD trong 11 tháng đầu năm. Thái Lan đứng thứ tư với giá trị đạt 33,1 triệu USD.
Tôm nguyên liệu đông lạnh vốn là thế mạnh của Việt Nam, đồng thời tôm chân trắng ngày càng chiếm tỷ lệ lớn hơn trong cơ cấu XK tôm sang các thị trường của Việt Nam. Năm 2012, giá trị XK tôm chân trắng của Việt Nam tăng trưởng 5,3% đạt trên 741 triệu USD, trong khi XK tôm sú giảm 12,6% đạt 1,25 tỷ USD. Nếu tiếp tục phát huy được thế mạnh, Việt Nam mới có thể duy trì được thứ hạng của mình trong nguồn cung tôm cho thị trường đông đúc với gần 82 triệu dân này.
Một số thông tin chung về thị trường Đức (Nguồn: Báo cáo Thị trường tôm Đức của CBI)
Đức không nuôi tôm nước ấm nên nguồn cung tôm nước ấm cho thị trường này phụ thuộc hoàn toàn vào NK.
– Từ năm 2006 – 2011, NK tôm (nguyên liệu đông lạnh và chế biến) từ các nước đang phát triển vào Đức tăng 87%, từ 21.000 tấn năm 2006 lên 38.000 tấn năm 2011.
– NK từ các nước đang phát triển chiếm tới 60% tổng NK tôm vào Đức.
– Việt Nam, Bangladesh và Ấn Độ là 3 nhà cung cấp lớn nhất tôm nguyên liệu đông lạnh cho Đức. Thái Lan, Ấn Độ và Honduras dẫn đầu về cung cấp tôm chế biến cho thị trường này.
– Cảng Bremen trở thành điểm đến quan trọng đối với hàng thủy sản XK sang EU. Hiện nay, cảng Bremen là trung tâm phân phối hàng tái xuất sang nhiều nước trong khu vực Châu Âu.
– Tiêu thụ tôm trung bình ở Đức đạt 1,4 kg/người/năm.
– Kênh phân phối mạnh nhất ở Đức là các cửa hàng bán hàng giảm giá, chiếm 50% thị phần.
– Aldi, Lidl và Penny là 3 nhà cung ứng thủy sản hàng đầu ở Đức, với thị phần lên tới 34%.