Thủy Hải Sản

Tình hình xuất khẩu Thủy sản tháng 5/2014

Theo đánh giá của các doanh nghiệp sau khi tham gia hội chợ thủy sản tại Boston và Brussels, năm nay thị trường có phần sôi động hơn trong điều kiện kinh tế thế giới đang hồi phục chậm sau đợt suy thoái kéo dài.

I. Thị trường:
Theo đánh giá của các doanh nghiệp sau khi tham gia hội chợ thủy sản tại Boston và Brussels, năm nay thị trường có phần sôi động hơn trong điều kiện kinh tế thế giới đang hồi phục chậm sau đợt suy thoái kéo dài.
1.    Thị trường Mỹ:
– XK tôm sang Mỹ tăng trong cả 4 tháng đầu năm 2014 tăng mạnh, giá trị XK đạt hơn 71 triệu USD, tăng 41,95% so với cùng kỳ, chiếm 18,83% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh.
– Nguồn cung tôm từ Thái Lan, nước cung cấp tôm hàng đầu cho Mỹ, vẫn duy trì mức thấp do sản lượng tôm nuôi của nước này chưa được cải thiện bởi thiệt hại nặng nề từ Hội chứng tôm chết sớm (EMS). Việt Nam tiếp tục là nhà cung cấp tôm thay thế quan trọng cho thị trường Mỹ.
– Nhu cầu thị trường trong 3 tháng đầu năm thường không cao nhưng cả các nhà NK Mỹ và các nhà XK tôm Việt Nam đang tận dụng mức thuế CBPG 0% của đợt xem xét hành chính gần nhất (POR7). Đây cũng là một trong những yếu tố chính góp phần đẩy mạnh XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong QI/2014.
2. Thị trường Úc:
Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Australia hiện đã vượt xa khả năng sản xuất, khiến quốc gia này hằng năm phải nhập khẩu hơn 200 nghìn tấn thủy sản, trị giá khoảng một tỷ USD, trong đó Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ ba sau New Zealand và Trung Quốc, chiếm 20% thị phần.
Tôm là loại hải sản được tiêu thụ nhiều nhất tại Australia, với khối lượng hằng năm lên tới 50 nghìn tấn, trong đó nhập khẩu khoảng 25 nghìn tấn. Tôm nuôi chỉ khoảng 4.000 tấn còn lại là đánh bắt tự nhiên. Tôm của Australia thường rất đắt nhưng được ưa chuộng vì tươi và người Australia thích mua hàng thực phẩm trong nước. Mặc dù vậy, ngày càng có nhiều người tiêu dùng chọn tôm đông lạnh nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam do giá thành thấp hơn và chất lượng ngày càng được cải thiện (năm 2013, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia đạt hơn 128 triệu USD, tăng 27,5% so với năm 2012 và đây là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 6 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc). Người tiêu dùng Australia chuộng tôm sú to.
3. Triển vọng thị trường thủy sản Ảrập Xêut
          Với nhu cầu ngày càng tăng về thủy sản, Arập Xêut đã nổi lên như một thị trường NK thủy sản đầy tiềm năng ở khu vực Trung Đông. Mặt hàng thủy sản của Việt Nam, nhất là cá tra, với giá cạnh tranh, ngày càng chinh phục người tiêu dùng Arập Xêut. Hiện nay, Việt Nam là nhà cung cấp lớn philê cá đông lạnh cho thị trường này.
      Do 100% công dân Arập Xêut là người Hồi giáo, nên thủy sản đã trở thành món ăn truyền thống tại nơi đây. Mặc dù chỉ có số dân ít ỏi, với 28,83 triệu người, nhưng Arập Xêut là một trong những quốc gia có khả năng tăng tiêu thụ thủy sản mạnh nhất Vùng Vịnh.
      Những năm gần đây, thị trường này nổi lên như một điểm sáng trong phát triển kinh tế của Trung Đông. Mức thu nhập của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều cùng với sự gia tăng của NK lao động nước ngoài đã góp phần gia tăng nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại Ảrập Xêút. NK thủy sản của nước này chiếm đến khoảng 25% tổng sản lượng NK của khu vực GCC (Hội đồng hợp tác vùng Vịnh), trong đó có nhiều loại thủy đặc sản, thủy sản cao cấp phục vụ người nước ngoài và tầng lớp thu nhập cao. 
II. Diện tích nuôi trồng và tình hình chế biến trong tỉnh.
– Diện tích nuôi tôm Công nghiệp đạt 7.735 ha, tăng 1743 ha so với cuối năm 2013, vượt 735 ha so với kế hoạch năm 2014, đã thả nuôi khoảng 52%. Nuôi tôm quảng canh cải tiến đạt 45.418 ha, tăng 6.418 ha so với cuối năm 2013, đã thả nuôi trên 70%.
– Diện tích tôm nuôi bị bệnh giảm so với trung tuần.
– Sản lượng thủy sản chế biến tính đến ngày 28/5/2014: 35.211 tấn bằng 186,6% cùng kỳ, đạt 30,9% kế hoạch. .
– Công suất chế biến bình quân đạt 66.4%
– Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tính đến 28/5/2014: 483 triệu USD đạt 45% kế hoạch, tăng 60% so với cùng kỳ.
– Thị trường xuất khẩu chính : Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc,  Úc, các nước Châu Á,…
III. Giá tôm nguyên liệu:
Thời gian gần đây giá tôm nguyên liệu sụt giảm mạnh, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng. Nguyên nhân sụt giảm được các chuyên gia và doanh nghiệp xác định là do:
– Thứ nhất là hầu hết các doanh nghiệp đều chịu sự tác động của vụ kiện chống bán phá giá của Mỹ đối với mặt hàng tôm. Kết quả sơ bộ thuế CBPG trong POR8 (từ 1/2/2012-31/1/2013), DOC lại cho rằng, các công ty Việt Nam XK tôm sang Mỹ đã bán phá giá vào thị trường này. Do đó, DOC đã tính mức thuế suất sơ bộ thuế CBPG rất cao đối với các DN Việt Nam XK tôm sang Mỹ. Mức thuế thấp nhất 4,98%
Thứ hai là trở ngại về rào cản kỹ thuật nên nhiều doanh nghiệp xuất hàng đi rồi bị trả về. Từ ngày 14-3-2014 Nhật Bản áp dụng chế độ kiểm tra Oxytetracycline đối với 100% lô hàng tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam. Tính đến nay, Việt Nam đã có 14 lô hàng tôm nuôi bị cảnh báo Oxytetracycline từ phía Nhật Bản và Châu Âu.
– Thứ ba là nhiều nước trên thế giới được mùa tôm nuôi, trong khi sản lượng tôm thẻ chân trắng ở Cà Mau tăng đột biến. 
Thứ tư là do thấy tôm rớt giá, các hộ nuôi tôm sợ rằng giá sẽ rớt tiếp nên ào ạt thu hoạch tôm khiến nguồn cung dư thừa.
– Thứ năm là do Trung Quốc không mua chất Chitin của Việt Nam, chất này sản xuất từ đầu vỏ tôm nên các DN sản xuất Chitin không thu mua đầu vỏ tôm của các DNCBTS. Cộng với việc Đoàn Thanh tra về môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thanh tra các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh nên các doanh nghiệp chế biến tạm ngừng mua và chế biến tôm nguyên liệu do chưa tìm được giải pháp xử lý đầu vỏ tôm.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status