Sức hấp dẫn của thị trường có số dân đông nhất khu vực Đông Nam Á đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm cách đưa hàng hóa vào Indonesia. Đây là thị trường được đánh giá có mức độ cạnh tranh khốc liệt nhưng vẫn có cơ hội cho những sản phẩm độc đáo, khác biệt.
Ông Trương Cung Nghĩa, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường Trương Đoàn, một thành viên tham gia đoàn khảo sát thị trường Indonesia vào cuối tháng 8 vừa qua cho biết, Indonesia là thị trường đã phát triển, tràn ngập các sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có cơ hội tại đây nếu tìm ra thị trường ngách cho riêng mình. “Nếu là các sản phẩm độc đáo, có bản sắc, có những tính năng tốt và mang lại giá trị cho người sử dụng hơn hẳn những sản phẩm cùng loại thì người tiêu dùng Indonesia sẵn sàng chấp nhận”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa dẫn chứng cho điều mình nói bằng sản phẩm bánh phồng tôm của Công ty bột Bích Chi. Tại hội chợ Interfood diễn ra hồi tháng 8 vừa qua, gian hàng của Bích Chi thu hút đông đảo khách tham quan đến thử sản phẩm bánh phồng tôm chiên. Sau đó, khách đã tìm đến gian hàng của nhà phân phối của Bích Chi trong hội chợ mua sản phẩm.
“Ở Indonesia, sản phẩm bánh phồng tôm đã có nhiều nhà sản xuất. Vậy nhưng sản phẩm của Bích Chi vẫn có thị trường là nhờ chất lượng vượt trội dù giá không rẻ”, ông Nghĩa nói thêm.
Theo ông Nghĩa, người tiêu dùng Indonesia chấp nhận các sản phẩm “đáng đồng tiền bát gạo”.Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam khi đưa hàng vào thị trường này, tốt nhất không nên cố tình cạnh tranh về giá so với hàng nội địa bởi chắc chắn theo không nổi nhưng cần có giá cạnh tranh.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội thảo, bà Bùi Thị Ngọc Tuyền, phụ trách xuất nhập khẩu của Bích Chi chia sẻ, sản phẩm của công ty đã bắt đầu xâm nhập thị trường Indonesia cách đây 4 năm. Tuy nhiên, phải 1 năm trở lại đây, khối lượng hàng xuất đi mới nhiều và đều.
Trung bình mỗi tháng hiện nay, Bích Chi xuất đi cho nhà phân phối 2 container loại 40 fit, trong khi những năm trước chỉ là 1 container 20 fit mà “tháng có tháng không”. Bích Chi tạm gọi đây là thành công bước đầu cho những nỗ lực của công ty trong suốt những năm qua: thường xuyên tham dự hội chợ, mời khách hàng dùng thử sản phẩm, để nhà cung cấp bán hàng tại chỗ…
“Indonesia là thị trường khó. Người dân chuộng hàng nội địa. Chúng tôi đã nghiên cứu thị trường và biết được rằng, sản phẩm nội địa tuy giá thấp nhưng chỉ sử dụng hương liệu. Trong khi đó, sản phẩm của Bích Chi dùng nguyên liệu tươi, thật. Nhờ vậy mà từ từ đã được thị trường ưa chuộng”, bà Tuyền chia sẻ.
Bà Tuyền cũng cho rằng, Indonesia là thị trường đầy tiềm năng và đem lại giá trị cao cho doanh nghiệp Việt Nam nếu khai thác được bởi lực lượng tiêu dùng lớn, được dự báo sẽ tăng lên 135 triệu vào năm 2030.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Duy, phụ trách Marketing, Công ty cổ phần Vinamit cho rằng, sức tiêu dùng lớn của đất nước vạn đảo chính là một trong những hấp lực với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, rào cản với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chính là thị trường cạnh tranh khốc liệt với sự có mặt của nhiều “ông lớn” trên thế giới cũng như những doanh nghiệp nội địa tầm cỡ. Đây là một trong những lý do khiến Vinamit, dù đã thâm nhập khá lâu nhưng chưa thực sự đầu tư nhiều như nhiều thị trường khác để khai thác.
Các doanh nghiệp lẫn giới chuyên gia nghiên cứu thị trường đều đồng tình, với thị trường Indonesia, việc tự bán hàng gần như vô vọng. Cách tốt nhất để đưa sản phẩm Việt Nam vào là phải thông qua nhà phân phối vốn đã thông thuộc đường đi nước bước. Bởi lẽ, thị trường cạnh tranh, kênh phân phối phức tạp trên nền địa hình trải rộng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp không nên chỉ “chăm bẵm” vào kênh phân phối hiện đại mà cần phải đầu tư cho kênh truyền thống bởi tỷ lệ của kênh này hiện vẫn rất lớn ở Indonesia.
Ông Nghĩa dẫn lại một số báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, người dân Indonesia tin vào các quảng cáo trên truyền hình, thông tin truyền miệng cũng như thích mua sản phẩm với trọng lượng nhỏ, giá cả phải chăng.
|
Ông Nghĩa dẫn lại một số báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, người dân Indonesia tin vào các quảng cáo trên truyền hình, thông tin truyền miệng cũng như thích mua sản phẩm với trọng lượng nhỏ, giá cả phải chăng.