Tin tức

Thụy Điển mở rộng đầu tư vào dự án y tế tại Việt Nam

Bactiguard, công ty chuyên cung cấp các giải pháp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm trong các bệnh viện, có trụ sở tại Thụy Điển, đang xúc tiến mở rộng các hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Mong muốn này của Bactiguard đã được ông Olof Sandén, Giám đốc phụ trách dịch vụ của Công ty bày tỏ trong chuyến đi tìm hiểu thị trường, gặp gỡ đại diện ngành y tế Việt Nam đầu tháng 10. Ngoài Bactiguard, trong chuyến đi này, còn có gần chục tên tuổi lớn khác trong ngành y tế của Thụy Điển như Boule, Getinge, Hemocue, Lioness, Elekta…

 

Cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, thì Việt Nam được Bactiguard xác định là thị trường quan trọng để đẩy mạnh kinh doanh trong thời điểm này. “Việt Nam là quốc gia đang phát triển, có mức chi cho y tế cả khu vực đầu tư nhà nước lẫn tư nhân ngày một lớn”, ông Olof Sandén nói về lý do khiến Bactiguard phải nhanh chóng đặt cơ quan đại diện Việt Nam.

 

Theo thống kê của Cơ quan Đại diện thương mại Pháp tại Việt Nam, năm 2011, doanh thu của thị trường trang thiết bị y tế Việt Nam đạt 600 triệu USD, với mức tăng 16% so với năm 2010 và dự báo tiếp tục tăng trong những năm tới. Đáng chú ý, 90% trang thiết bị y tế sử dụng tại các trung tâm y tế và bệnh viện Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, đây được xem là cơ hội cho các nhà cung cấp thiết bị y tế Thụy Điển.

 

Thụy Điển là một trong 5 quốc gia trên thế giới có nhiều sáng chế lẫn công nghệ được đưa vào ứng dụng trong ngành y tế hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cho cả nhà cung cấp dịch vụ cũng như người bệnh. Hiện nay, nhiều bệnh viện lớn tại Việt Nam như Việt Đức, Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương… đã và đang sử dụng thiết bị khám chữa bệnh do các doanh nghiệp Thụy Điển cung cấp.

 

Triển vọng gia tăng đầu tư cho y tế khu vực tư nhân lẫn nhà nước tại Việt Nam được các doanh nghiệp Thụy Điển đánh giá khá toàn diện. Chẳng hạn, trong lĩnh vực cung cấp trang thiết bị điều trị ung thư, ông Per Nylund, Tổng giám đốc Công ty Elekta cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ cần thêm các giải pháp điều trị ung thư toàn diện bằng các thiết bị tiên tiến.

 

“Việt Nam cần có thêm 90 trung tâm xạ trị, hóa trị, phẫu thuật, đào tạo kỹ thuật viên, bác sỹ để phục vụ nhu cầu khám và điều trị của bệnh nhân ung thư. Công ty Elekta sẽ cam kết đồng hành cùng y tế Việt Nam trong lĩnh vực này”, ông Per Nylund nói và cho biết, từ nhiều năm nay, sản phẩm máy xạ trị ung bướu với chi phí tiết kiệm của Elekta đã hiện diện tại nhiều bệnh viện của Việt Nam như Viện Y học phóng xạ và U bướu quân đội, Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai.

 

Theo ông Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam “chảy máu” khoảng 1 tỷ USD để bệnh nhân ra nước ngoài khám chữa bệnh, trong đó nhiều ca chữa bệnh ung thư. Ông Khoa cho rằng, hệ thống y tế trong nước được trang bị máy móc chữa trị hiện đại sẽ là lý do để bệnh nhân quay lại lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh trong nước.

 

Còn ông Mohan Anasalam, Giám đốc bán hàng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Công ty Hemocue cho biết, Công ty đã có buổi làm việc với lãnh đạo một số bệnh viện lớn tại Hà Nội để bàn kế hoạch liên kết sử dụng và thương mại hóa các sản phẩm do Hemocue sản xuất, như các loại thiết bị chẩn đoán nhanh, phục vụ nhu cầu xét nghiệm tại chỗ.
Bài viết đã được đăng ký bản quyền (DMCA). Nếu bạn đọc copy nội dung hãy để lại link về bài gốc hoặc ghi rõ nguồn camautravel.vn như một sự tri ân với tác giả.
Copyright © 2023 - 2024 | camautravel.vn | All Rights Reserved. DMCA.com Protection Status