Những thông tin liên tiếp từ rau xanh, thực phẩm tươi sống đến thực phẩm chế biến bị phát hiện có chất độc hại đã khiến người tiêu dùng lo lắng. Thực tế này làm cả tiểu thương, nhà sản xuất phải thay đổi thói quen sản xuất kinh doanh lâu nay để tồn tại.
Đã hơn hai tuần kể từ sau khi thông tin bún, bánh phở tươi có chất độc hại, ngày nào bà Hải, tiểu thương chợ Thị Nghè (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cũng đem tờ giấy chứng nhận an toàn thực phẩm ra đặt cạnh rổ bún, bánh phở như để cho người tiêu dùng thấy, không còn hoang mang và né bún. “Bán ế dữ lắm, mình phải đem giấy chứng nhận ra cho khách hàng thấy yên tâm” – bà Hải nói. Bên cạnh việc chứng minh thực phẩm của mình đảm bảo vệ sinh, tất cả bao bì đựng bún, bánh phở bà Hải đều yêu cầu cơ sở sản xuất dán tem, nhãn rõ ràng nguồn gốc để người tiêu dùng tham khảo, lựa chọn. “Giờ đi đâu cũng nghe bún có chất độc, cả nhà tôi sợ không dám ăn ngoài đường, ngoài chợ. Nếu có mua cũng phải xem xét kỹ nơi sản xuất, tin cậy mới dám mua” – chị Thu Hoài (Q.Bình Thạnh) đi mua hàng tại chợ Thị Nghè cho biết.
Không giống như bà Hải, từ nhiều tháng qua tại sạp của bà Thu Hương, tiểu thương chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình, TP.HCM), ngày nào cũng treo 2-3kg thịt heo quay làm sẵn cho người tiêu dùng đặt trước. “Toàn mối quen cả thôi, họ cứ gọi điện đặt hàng mình, yêu cầu gì mình làm theo như thế” – bà Hương cho biết. Vì là mối quen nên lúc nào thịt heo của bà Hương cũng làm sạch sẽ, thịt phải tươi chứ không lấy heo hư, ôi để làm cho khách. “Bây giờ người dân tinh lắm, mình làm ăn không đàng hoàng là mất mối liền” – bà Hương nói.
Tuy nhiên, không phải tiểu thương nào cũng làm được như bà Hương, bà Hải bởi họ chỉ là trung gian trong cả chuỗi cung ứng thực phẩm. “Chúng tôi chỉ biết buôn bán, hàng hóa thì lấy mối chợ quen bao lâu nay rồi, chẳng có cách nào để biết được hết, cũng mù mờ thôi” – chị Thúy, kinh doanh mặt hàng rau củ tại chợ Cầu (Q.Gò Vấp), băn khoăn.
Ông Nguyễn Kim Long, phó ban quản lý chợ Hoàng Hoa Thám, cho biết ngay sau khi có thông tin về chất độc trong nhiều loại thực phẩm, ban quản lý chợ thường xuyên vận động tiểu thương tìm các đầu mối an toàn, có nguồn gốc rõ ràng để nhập hàng chứ không nhập tràn lan, tùy tiện. Trong khi đó, đại diện ban quản lý chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) cho biết ban quản lý chợ đã yêu cầu các tiểu thương cung cấp tên, địa chỉ cơ sở sản xuất để tiện kiểm soát, đồng thời vận động rà soát các loại giấy tờ chứng nhận an toàn thực phẩm để chủ động trong việc kiểm tra của cơ quan chức năng cũng như thông tin cho người tiêu dùng nhằm giữ được khách mua hàng.
Thắng đậm nhờ dịch vụ “rau tại nhà”
Trong khi đó, lo lắng trước chất lượng thực phẩm, nhiều gia đình đã tự trồng trọt, chăn nuôi để tự cung tự cấp. Bà Nguyễn Thị Thu Hà (Q.1) cho biết ban đầu gia đình chỉ trồng rau trên sân thượng để tạo không khí tươi mát và giáo dục con cháu biết yêu thiên nhiên. Nhưng gần đây do nguồn rau chợ nhiễm thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều, bà đã mở rộng diện tích trồng rau để tự cung cấp bữa ăn cho gia đình. Với hơn 40m2 trồng rau trên sân thượng, hiện gia đình bà hầu như không mua rau chợ. “Bốn người trong nhà tôi được ăn hơn 10 loại rau các loại, từ cải xanh, xà lách đến rau ăn quả như mướp, khổ qua…, chỉ cần xuống giống trung bình nửa tháng là có rau ăn” – bà Hà cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày càng nhiều người dân tại TP.HCM tận dụng những khoảng không gian trống như sân thượng, lối đi, giếng trời… để trồng rau tại gia, đa số trồng theo phương thức canh tác thủy canh (trồng rau bằng dung dịch, không cần đất). Đáp ứng nhu cầu tự sản xuất ngày càng tăng của người dân thành phố, hàng loạt công ty cung cấp các dịch vụ như hệ thống trồng trọt, đất sạch, hạt giống, dung dịch dinh dưỡng… ra đời. Khảo sát tại các công ty này cho thấy lượng khách hàng hỏi tư vấn và sử dụng các dịch vụ này ngày càng nhiều, đặc biệt thời gian gần đây.
Bà Nguyễn Thị Đào, giám đốc Công ty Gino (TP.HCM), nhận định phong trào trồng rau, quả sạch tại nhà đang phát triển mạnh. Gino hiện có hơn 4.000 khách hàng thường xuyên và hàng chục ngàn khách hàng vãng lai. Doanh thu hằng năm tăng 20-25%. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, công ty phải nhập thêm 40% giống ngoại.
Trong khi đó, đại diện Công ty Sài Gòn Thủy Canh (Q.Bình Thạnh) cho biết mỗi tháng có hơn 200 khách hàng cần công ty tư vấn cách lắp đặt hệ thống trồng rau thủy canh, quy trình chăm sóc và pha chế dung dịch trồng cây. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng rau, cây giống bán ra tăng 20%, nguyên vật liệu tăng hơn 50%. Bà Võ Thị Thu Hà, giám đốc Công ty Sài Gòn Thủy Canh, cho biết công ty đang đẩy nhanh đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu trồng rau thủy canh ngày càng phát triển của người dân.